Cảnh báo: Trẻ có thể nguy kịch khi hóc hạt na
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Một 25, 2022 | 16:15 - Lượt xem: 451
Quả na là một loại quả tốt cho sức khỏe tuy nhiên cũng nên cẩn trọng khi ăn, đặc biệt là trẻ nhỏ vì có nguy cơ sặc hạt na gây tắc đường thở.
Cụ thể, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một bé trai 3 tuổi do bị sặc hạt na gây tắc đường thở phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Theo người nhà cho biết, trước đó, trẻ được cho ăn na còn nguyên hạt và cùi, trẻ tự nhè hạt nên gia đình yên tâm cho trẻ ăn thường xuyên. Tuy nhiên, trong khi cháu D.T đang ăn quả na thì ho sặc sụa, sau đó xuất hiện khó thở dữ dội, tím tái. Gia đình lập tức đưa trẻ đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để cấp cứu. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở. Ngay lập tức, trẻ được tiến hành cấp cứu đặt nội khí quản, bóp bóng hỗ trợ chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy hạt na ra khỏi khí quản trẻ. Ảnh: Song Hào/BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
ThS.BS. Trần Đăng Xoay, Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải thở máy qua nội khí quản, giảm thông khí phổi phải, X-Quang có ứ khí phổi phải. Trẻ được chẩn đoán dị vật đường thở, nghi ngờ là hạt na. Ngay lập tức các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản lấy dị vật ra khỏi đường thở cho bệnh nhi ngay trong đêm.
Bác sĩ CKII. Lê Thanh Chương – Trưởng khoa Hồi sức hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp thực hiện nội soi phế quản lấy dị vật cho bệnh nhi cho biết: “Kỹ thuật được tiến hành ngay tại giường bệnh. Nội soi phế quản ống mềm thấy hạt na nằm ở phế quản gốc phải, có khả năng di động lên khí quản. Nội soi phế quản ống cứng lấy ra 1 hạt na 7x12mm. Phổi phải có nhiều mủ phía dưới dị vật, hút rửa sạch mủ phế quản bên phải. Kỹ thuật tiến hành thuận lợi và an toàn”. Sau một ngày điều trị và theo dõi tại khoa Khoa Điều trị tích cực – Bệnh viện Nhi Trung ương, sức khỏe trẻ ổn định và được ra viện.
Một trường hợp hóc hạt na tương tự xảy ra trước đó tại Hà Tĩnh. Theo đó các bác sỹ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cứu sống cháu Phạm Viết Gia Bảo, 5 tuổi, ở Trung Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh bị suy hô hấp nặng do hạt na rơi vào trong lòng khí quản.
Theo chị Lương Thị Định, mẹ cháu kể lại, hai anh em đang ăn quả na, cháu Bảo ho một tiếng, sau đó xuất hiện khó thở dữ dội, mắt trợn ngược, dãy dụa, tím tái, vã mồ hôi. Gia đình ngay lập tức đưa cháu lên Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc. Tại đây cháu được chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở, bệnh viện vừa cấp cứu, vừa làm các thủ tục chuyển lên tuyến trên để soi gắp dị vật. Đồng thời lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Can Lộc đã điện thoại thông báo xin hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhận được tin, Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chỉ đạo Khoa Cấp cứu – Chống độc, Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị sẵn sàng đón tiếp và cấp cứu bệnh nhi. Kíp soi gắp đã soi và lấy ra một hạt na kích thước 18 x 9 mm (phía góc trên bên phải ảnh) trong khí quản cháu Bảo.
Theo thông tin từ các bác sĩ, trẻ nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng khó thở nặng, thở rít, tím tái, lờ đờ. Phổi phải thông khí mất, phổi trái giảm thông khí. Sau khi các bác sỹ khám, hội chẩn cấp cứu, thống nhất chẩn đoán theo dõi dị vật đường thở. Ngay lập tức trẻ được chuyển thẳng lên khoa Gây mê hồi sức để soi gắp dị vật. Bệnh nhi được hồi sức, gây mê tĩnh mạch, đồng thời tiến hành soi khí quản gắp được một hạt na kích thước 18 x 9 mm, nằm ở ngã 3 khí quản, lệch về khí quản gốc bên phải. Sau soi gắp thông khí phổi hai bên cháu Bảo đều, hết rít, trẻ hết tím tái.
Bác sỹ Sơn, người trực tiếp soi gắp dị vật cho biết “Khi nội soi đường thở cho cháu Bảo, tôi phát hiện dị vật là hạt na nằm ở ngã ba khí quản, lệch về phía phế quản gốc bên phải. Chúng tôi đã tiến hành gắp dị vật bằng panh chuyên dụng, tuy nhiên do hạt na có dạng hình thoi, vỏ cứng lại trơn trượt nên rất khó gắp. Đây là một trường hợp nặng, tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng do sự phối hợp nhịp nhàng, bệnh nhi được chẩn đoán sớm, chuyển viện, cấp cứu, soi gắp kịp thời nên kết quả rất tốt, cháu bé đã phục hồi gần như hoàn toàn ngay sau khi gắp dị vật ra ngoài”.
Theo các bác sĩ, dị vật đường thở là trường hợp những vật lạ xâm nhập vào đường thở. Đây là tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Dị vật thường là hạt thực vật (lạc, na, hướng dương, ngô…) hoặc đồ chơi (hạt vòng, đèn nhỏ, còi nhỏ, lò xo…). Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim, kim băng… đe dọa thủng đường thở gây các biến chứng nặng. Tai biến y khoa có thể gặp gây dị vật đường thở là các thủ thuật nha khoa như nhổ răng, diệt tủy răng làm răng hoặc kim diệt tủy rơi vào đường thở khi trẻ không hợp tác.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở nhưng hay gặp nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Sặc dị vật có thể gây tử vọng ngay do bít tắc đường thở hoặc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy hô hấp, ho máu, tràn khí. Một số trẻ có dị vật nhỏ hơn, dễ bị bỏ quên sẽ gây nên tình trạng viêm phổi tái diễn…
Các bác sĩ khuyến cáo để hạn chế xảy ra tai nạn dị vật đường thở, cha mẹ không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn các loại hạt cứng (hạt lạc, hạt bí, hạt dưa, hạt điều…) hoặc các loại quả chưa loại bỏ hạt (na, quất hồng bì, dưa hấu…)
Không để trẻ vừa ăn vừa cười đùa hoặc làm trẻ khóc, giật mình khi đang ngậm đồ ăn trong miệng. Nếu phát hiện trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây sặc vào đường thở, người chăm sóc trẻ cần bình tĩnh dỗ trẻ tự nhè ra, tuyệt đối không lấy tay móc miệng trẻ hoặc làm trẻ khóc vì sẽ làm tăng nguy cơ gây dị vật đường thở. Khi trẻ bị sặc dị vật cần sơ cứu kịp thời, đúng cách và đưa ngay đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị kịp thời.