Cảnh báo – thuốc kháng sinh azithromycin không hiệu quả với bệnh nhân COVID-19
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Bảy 21, 2021 | 14:58 - Lượt xem: 1259
Nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy, thuốc kháng sinh azithromycin không hiệu quả hơn giả dược trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của COVID-19.
Thuốc kháng sinh azithromycin- một loại kháng sinh phổ rộng, được kê đơn như một phương pháp điều trị COVID-19 cho bệnh nhân ngoại trú ở Mỹ. Tuy nhiên nghiên cứu mới cho thấy, thuốc không mang lại hiệu quả.
Nghiên cứu mới đây của UC San Francisco đã chỉ ra rằng kháng sinh azithromycin không hiệu quả hơn giả dược trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của COVID-19 ở những bệnh nhân điều trị ngoại trú, thậm chí có thể làm tăng nguy cơ nhập viện.
Tác giả chính TS. Catherine E. Oldenburg cho biết: “Phát hiện này không ủng hộ việc sử dụng azithromycin thường quy cho bệnh nhân ngoại trú nhiễm SARS-CoV-2.”
Azithromycin, một loại kháng sinh phổ rộng, được kê đơn rộng rãi như một phương pháp điều trị COVID-19 ở Mỹ. Thuốc có đặc tính chống viêm và được đề xuất để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh nếu được điều trị sớm.
Nghiên cứu bao gồm 263 người tham gia, tất cả đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày trước khi tham gia nghiên cứu, nhưng không phải nhập viện điều trị. Trong một quá trình lựa chọn ngẫu nhiên, 171 người tham gia nhận được một liều azithromycin uống 1,2 gam và 92 người nhận được một loại giả dược giống hệt nhau.
Vào ngày thứ 14 của nghiên cứu, 50% số người tham gia vẫn không có triệu chứng ở cả hai nhóm. Đến ngày 21, năm trong số những người tham gia nhận azithromycin đã phải nhập viện với các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 và không ai trong nhóm dùng giả dược phải nhập viện.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng điều trị bằng một liều azithromycin duy nhất so với giả dược không mang lại hiệu quả cao hơn.
Theo TS Oldenburg, hầu hết các thử nghiệm được thực hiện cho đến nay với azithromycin đều tập trung vào những bệnh nhân nhập viện mắc bệnh khá nặng. Nghiên cứu của chúng tôi là một trong những nghiên cứu đầu tiên có đối chứng với giả dược cho thấy azithromycin không có vai trò gì đối với bệnh nhân ngoại trú”.
Liên quan tới thuốc điều trị COVID-19, mới đây Chính phủ Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào thuốc uống chữa Covid-19 để ngăn chặn virus về lâu dài, cứu sống thêm nhiều người trong tương lai.
Trước đó Mỹ chi hơn 18 tỷ USD tài trợ các công ty nghiên cứu vaccine COVID-19, thu lại 5 loại vaccine hiệu quả cao trong thời gian kỷ lục. Hiện Chính phủ nước này đã rót hơn 3 tỷ USD cho một lĩnh vực bị bỏ quên: Phát triển thuốc uống để điều trị bệnh nhân trong giai đoạn đầu.
Chương trình mới có tên gọi Chiến lược Phát triển chống COVID-19, được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh công bố hồi tháng 6. Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng của một số loại thuốc triển vọng. Nếu mọi việc suôn sẻ, loại thuốc đầu tiên sẽ ra mắt cuối năm nay.
Theo tiến sĩ David Kessler, Giám đốc khoa học đội đặc nhiệm COVID-19 của Tổng thống Joe Biden, Chính phủ có thể đưa ra thỏa thuận tương tự với các thuốc kháng virus khác đang trong thử nghiệm lâm sàng. Hiện tại, loại thuốc kháng virus có tên Molnupinavir của Mỹ đang là ứng viên tiềm năng nhất.
Thuốc Molnupinavir được phát triển bởi sự hợp tác giữa 2 công ty Rigibel (Đức) và Merk (Mỹ). Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đã hoàn tất với hiệu quả 100% trên các bệnh nhân Covid-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của bệnh nhân xuống thấp đến ngưỡng không lây lan.
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cũng gần đi đến chặng cuối với hiệu quả rất tốt, dự kiến sẽ có kết quả ngay trong mùa thu năm nay. Nếu quá trình nghiên cứu suôn sẻ, thuốc Molnupinavir sẽ được đưa ra thị trường trong 4-5 tháng tới.
Loại thuốc này được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA trong đó có SARS-CoV-2 khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có rất ít tác dụng phụ, phổ biến là nhức đầu, mất ngủ.
Molnupinavir sử dụng dễ dàng qua đường uống, điều trị các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 giai đoạn đầu. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ uống 2 liều mỗi ngày và duy trì trong 5 ngày ngay tại nhà. Nếu nghiên cứu pha 3 thành công, trong tương lai việc điều trị SARS-CoV-2 sẽ giống như điều trị các loại cúm khác.
Hiện tại, Chính phủ Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19. Nếu kết quả thành công, FDA của Mỹ sẽ cấp phép cho loại thuốc này.
An Dương (T/h)