Cảnh báo lừa đảo từ một số nhóm hỗ trợ tư vấn F0 mắc COVID-19 trên mạng để bán thuốc

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Hai 25, 2022 | 9:24 - Lượt xem: 788

Các bác sĩ tại Viện bỏng Quốc gia vừa đưa ra cảnh báo, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm hỗ trợ, chia sẻ thông tin điều trị COVID-19 tại nhà.

Theo ghi nhận từ báo Tuổi Trẻ, hiện trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm được thành lập nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin điều trị COVID-19 tại nhà. Lợi dụng những nhóm này, một số người tham gia nhóm, mạo danh bác sĩ nhắn tin bán thuốc chữa bệnh.

Chia sẻ trên group Facebook “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”, TS Hoàng Thanh Tuấn – Phó chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia, người sáng lập nhóm – cảnh báo: “Hiện xuất hiện nhóm giả lập giống hoàn toàn nhóm của các bác sĩ quân y nhưng không hỗ trợ chuyên môn mà chủ yếu chào bán các loại thuốc nên rất nguy hiểm. Mọi người lưu ý không tham gia nhóm này, số điện thoại của các bác sĩ đã được đăng cụ thể. Những bài điều trị thường xuyên được nhóm đăng tải để cộng đồng tham khảo”.

Bên cạnh việc thành lập nhóm giả mạo, một số người bệnh trong group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” phản ảnh tình trạng có một số người xấu mạo danh là bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh.

Theo bác sĩ Tuấn, người mạo danh bác sĩ thường bình luận vào các bài viết của F0, tự xưng là bác sĩ, có chuyên môn ở bệnh viện lớn, sau đó nhắn tin riêng cho người bệnh để tư vấn bán thuốc điều trị. Họ sẽ thông tin những hậu quả lâu dài mà người bệnh mắc phải, gây tâm lý hoang mang, lo sợ. Sau đó, họ tự xưng là bác sĩ chuyên môn đã điều trị khỏi bệnh cho nhiều người, để tạo uy tín.

Ngoài ra, những người này còn dùng “chiêu thức” đăng bài lên các hội nhóm chia sẻ các loại thuốc. “Tôi đã dùng thuốc này và âm tính sau 3 ngày, hay tôi mua thuốc này dùng để điều trị COVID-19 được không. Nhìn qua thì giống như một bài nhờ tư vấn hay chia sẻ cách điều trị, tuy nhiên sau đó “tay chân” của họ sẽ vào bình luận nói tốt cho thuốc, hoặc giới thiệu thuốc này, thuốc kia. Những trường hợp này người bệnh cũng cần cảnh giác để tránh mắc lừa”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.

Sau khi nhận được thông tin tố giác từ người bệnh, các bác sĩ quản trị viên của group “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” đã xóa nick Facebook mạo danh này ra khỏi nhóm và có bài viết cảnh báo tới người bệnh.

Đồng thời, các bác sĩ cũng thay đổi cách duyệt các bài đăng trên nhóm, chỉ duyệt các bài viết liên quan đến tiêm vắc xin, cách hỗ trợ sau khi điều trị để tránh tình trạng người xấu vào bán thuốc chữa bệnh hay các công thức gia truyền…