Cảnh báo 4 loại thức ăn thừa bảo quản trong tủ lạnh có thể gây ra độc tố
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Năm 4, 2023 | 9:55 - Lượt xem: 1081
Thức ăn dư thừa rất dễ bị thiu, chua và hư hỏng nếu không được bảo quản đúng cách, ngay cả khi lưu trữ chúng trong tủ lạnh, thậm chí có thể gây ra độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thức ăn thừa để qua đêm có thể ăn lại được hay không? Câu hỏi này nhận về không ít ý kiến trái chiều. Thực ra, yếu tố quyết định phần lớn là do vấn đề phát triển của vi khuẩn trên thức ăn. Sau 24 giờ, sự phát triển của vi khuẩn trong các món ăn để qua đêm sẽ nhiều hơn.
Mặc dù hầu hết vi khuẩn là loại phổ biến tồn tại trong môi trường sống, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể “ngó lơ” chúng bởi đôi khi vi khuẩn phát triển trên thức ăn có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Cho thức ăn vào tủ lạnh thì sao? Nhiệt độ thấp của tủ lạnh có thể ức chế tốt sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm, nhưng không phải là tất cả. Đồng thời do làm lạnh và bảo quản thực phẩm trong thời gian dài, chất dinh dưỡng cũng sẽ bị thất thoát khá lớn.
Một số loại thức ăn có thể sinh ra độc tố nếu cất trữ trong tủ lạnh
Hầu hết các loại rau sau khi đã chế biến để qua đêm trong tủ lạnh đều có thể ăn được, nhưng có nguy cơ gây khó chịu cho đường tiêu hóa và mất chất dinh dưỡng nhất định. Vì vậy các bác sĩ không khuyến khích bạn ăn chúng.
Theo các chuyên gia, một số đồ ăn thừa như rau chín, trứng rán thịt, trứng đúc thịt, canh cua… không nên lưu lại trong tủ lạnh qua đêm. Điều này sẽ inh ra chất độc gây hại cho cơ thể. Các món ăn giàu đạm như thịt, trứng, cá nếu để lâu trong tủ lạnh rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Dưới đây là 4 món ăn dù có cất trong tủ lạnh thì cũng không nên ăn lại sau khi để qua đêm để tránh gây hại cho sức khỏe.
Thức ăn thừa chứa nitrat
Một số loại rau củ chứa hàm lượng nitrat hoặc nitrit tương đối cao như bắp cải, xà lách, khoai tây, tỏi tây… Nếu để các loại thực phẩm này trong 24 giờ, hàm lượng nitrat sẽ giảm đi do tác dụng khử vi khuẩn trong không khí, và một lượng lớn nitrit được hình thành.
Mặc dù với cơ thể chúng ta, nitrit từ lượng thức ăn thừa này là khá nhỏ và vô hại nhưng nếu ăn thường xuyên, nitrat sẽ chuyển hóa thành chất nitrosamine – chất độc hại trong cơ thể con người, cản trở quá trình vận chuyển oxy trong máu, gây ngộ độc hoặc các bệnh tim mạch bất thường. Đặc biệt là những người lớn tuổi nên tránh thức ăn chứa nhiều nitrat như vậy.
Các món nấm
Nấm khác với các loại thực phẩm khác, do cấu trúc đặc biệt nên vi khuẩn dễ dàng sinh sôi từ bề mặt rồi xâm nhập vào bên trong nấm.
Do đó, nấm dễ bị hư hỏng hơn so với các thực phẩm khác, để qua đêm có thể có nhiều chất chuyển hóa của vi khuẩn hơn, khả năng gây đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn sẽ cao hơn, dễ tiềm ẩn nguy cơ viêm dạ dày ruột, vì vậy bạn cũng không nên ăn lại nó sau khi được để qua đêm.
Các món hải sản
Hải sản là thực phẩm giàu chất đạm, nếu để lâu, chất đạm cao sẽ nhanh chóng bị phân hủy bởi vi khuẩn để tạo thành các sản phẩm thoái hóa protein.
Sau khi con người ăn vào các sản phẩm phân hủy protein này, nó sẽ làm tăng đáng kể gánh nặng trao đổi chất cho gan và thận, đồng thời tăng khả năng gây ra các bệnh về gan và thận. Do đó, với các món hải sản, bạn tốt nhất nên chế biến lượng vừa đủ ăn.
Các loại nước dùng, súp
Tương tự như hải sản, hàm lượng protein trong nước dùng để qua đêm tương đối cao, nước dùng cũng là nơi vi khuẩn sinh sôi mạnh nhất sau một thời gian dài bảo quản. Khi các sản phẩm thoái hóa protein và chất chuyển hóa của vi khuẩn trong nước dùng đi vào dạ dày, nó sẽ khiến bạn dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm dư thừa sau mỗi bữa ăn dù được bảo quản kỹ càng trong tủ lạnh vẫn có thể bị hư hỏng. Một trong những nguyên nhân thường gặp là người tiêu dùng không để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ. Theo các chuyên gia, việc cất trữ, che đậy thức ăn còn nóng và bảo quản trong tủ lạnh sẽ gây ngưng tụ hơi nước, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Các chuyên gia cho biết, thức ăn còn dư sau mỗi bữa ăn cần được lưu trữ trong tủ lạnh đúng cách. Người tiêu dùng không nên để chung các loại thực phẩm với nhau, đồng thời nên để chúng trong các hộp đựng chuyên dụng có nắp kín hoặc sử dụng bọc thực phẩm để bảo quản thực ăn.
Với trường hợp không có tủ lạnh, chúng ta cần đun sôi trở lại, tức giữ cho thức ăn sôi ít nhất trên 60 độ C và để được tối đa là qua đêm ở môi trường nhiệt độ bình thường (dưới 25 độ C). Còn trong trường hợp nhiệt độ môi trường cao vi sinh vật sẽ phát triển nhanh.
Tuy nhiên các chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng chỉ nên ước lượng thức ăn và nấu vừa đủ. Đối với thức ăn khi nấu xong, chúng ta nên múc ra đĩa, tô… không nên gắp thức ăn ngay trong nồi, để tránh tình trạng “chọc ngoáy” đũa, thìa đã qua sử dụng vào đồ ăn. Điều này hạn chế quá trình lây nhiễm vi khuẩn lây qua đường ăn uống xâm nhập vào thức ăn còn thừa lại. Với cách này đến cuối bữa ăn, phần thức ăn thừa chưa bị tác động bởi thìa, đũa “bẩn” vẫn an toàn trước khi đưa chúng vào tủ lạnh.
Theo VietQ