Cần tiếp tục xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn về xe điện

Thứ Sáu, Tháng Chín 3, 2021 | 17:46

Trước sự phát triển nhanh chóng của xe điện, đại diện Tổng cục TCĐLCL cho rằng, cần tiếp tục xây dựng, cập nhật, bổ sung thêm các tiêu chuẩn về xe điện trên cơ sở hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn trên thế giới.

Những yêu cầu cấp bách về xây dựng hạ tầng cho xe điện

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, các dòng xe điện hóa được coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều nước đã đưa ra lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang kỷ nguyên xe xanh, xe điện, xe tự lái.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đã và đang tích cực tham gia các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với dân số gần 100 triệu dân, trong khi số lượng xe điện còn rất hạn chế, Việt Nam được coi là thị trường vô cùng tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ phát biểu tại Hội thảo.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện…), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như: hybrid, xe máy điện, ô tô điện, tiến tới là xe tự lái.

“Từ thực tế trên đặt ra vấn đề quản lý Nhà nước thông qua các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và xây dựng quy định quản lý, cơ chế chính sách để phát triển loại phương tiện này, bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện (trong đó ngoài xe du lịch còn có xe buýt điện, xe khách chạy điện).

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ GTVT luôn trân trọng ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp vào định hướng cũng như giải pháp để phát triển loại hình phương tiện vận tải hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an toàn và thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Bộ Công thương cho hay, hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường…

Vì vậy cần có một số giải pháp như: Áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường; Xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội nhằm thu hút đầu tư dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu; Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho trạm sạc điện;…

Quang cảnh Hội thảo trực tuyến công nghệ thực tế ảo.

Trình bày tham luận tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Để hiện thực hoá mục tiêu nêu trên đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách phù hợp, trong đó có vai trò không thể thiếu của các công cụ kinh tế, trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại hàng hoá thân thiện với môi trường, trong đó có ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể như các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; Chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác.

Cần tiếp tục xây dựng, cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn

Ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Bộ KHCN) cho hay, hiện nay, các quốc gia đang không ngừng đầu tư nguồn lực về kinh phí và nhân lực với mong muốn làm chủ công nghệ và đi đầu trong ngành công nghiệp xe điện. Tổng kinh phí của các Chính phủ dùng để hỗ trợ ngành xe điện là 14 tỷ USD riêng trong năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, số lượng xe điện được bán ra riêng trong năm 2020 đã tăng 70% so với năm 2019. Tổng số xe được lưu hành năm 2020 ước tính khoảng 3 triệu xe. Các mẫu xe điện cũng không ngừng cải tiến để đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Thực tiễn phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp và sử dụng xe điện đã đòi hỏi hệ thống tiêu chuẩn của mỗi quốc gia, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế luôn luôn phải thay đổi và cập nhật. Rõ ràng Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển mang tính tất yếu này.

“Mặc dù đã có những cố gắng nhưng số lượng TCVN và QCVN đối với xe điện vẫn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung thêm trên cơ sở hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn trên thế giới để tăng sự thích nghi và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam khi mà Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới….”, ông Triệu Việt Phương cho hay.

Ông Triệu Việt Phương, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng- Bộ KHCN) 

Được biết, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hoá (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít, năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết Quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, đã có 10 triệu chiếc xe điện trên toàn thế giới vào cuối năm 2020. Số lượng xe điện bán ra tăng 41% vào năm 2020, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Khoảng 3 triệu ô tô điện đã được bán trên toàn cầu (chiếm 4,6% thị phần) và Châu Âu lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Hiện các chính phủ trên thế giới đã chi 14 tỷ USD để hỗ trợ doanh số bán ô tô điện, tăng 25% so với năm 2019, chủ yếu từ các chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn ở Châu Âu.

Triển vọng ngắn hạn cho doanh số bán xe điện là khá sáng sủa. Trong quý đầu tiên của năm 2021, doanh số bán ô tô điện toàn cầu tăng khoảng 140% so với cùng kỳ năm 2020, được thúc đẩy bởi doanh số bán xe ở Trung Quốc với khoảng 500.000 xe và ở Châu Âu với khoảng 450.000 xe. Doanh số bán ô tô điện tại Hoa Kỳ tăng hơn gấp đôi so với quý đầu tiên của năm 2020. Thị trường sản phẩm xe điện ở Việt Nam hiện cũng được đánh giá là thị trường hấp dẫn với số lượng các nhà sản xuất và lắp ráp các sản phẩm xe điện đang tăng nhanh.

Hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Event).

Tại Hội thảo này, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cùng trao đổi về xu thế phát triển các loại xe thân thiện với môi trường, xe điện; Rà soát các quy định, chính sách hiện có; Bàn thảo kế hoạch, định hướng quản lý, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật đồng bộ, phù hợp, góp phần phát triển loại phương tiện này.