Cần lộ trình xây dựng tiêu chuẩn phát triển nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng TưTháng Tư 17, 2023 | 8:41 - Lượt xem: 740
Theo chuyên gia, việc xây dựng kinh tế tuần hoàn cần lộ trình để xây dựng các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Song song đó cũng cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo để hướng đến một nền kinh tế bền vững ở nước ta.
Ngày 24/6/2020, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu tổng quát là “Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới sáng tạo, thực hành và phá triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Theo các chuyên gia, để phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần xây dựng các tiêu chuẩn theo một định hướng kế hoạch tổng thể nhằm phát triển các mô hình phát triển nền kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi sang nền phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã xây dựng một số tiêu chuẩn trong lĩnh vực phát triển nền kinh tế tuần hoàn như: TCVN ISO 26000:2013; TCVN ISO 14001 : 2015; TCVN 8000 : 2008 (ISO 1527 : 2006); TCVN 12049 : 2017 (ISO 13686 : 2013); TCVN 14607 : 2020.
Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống trong những thập niên gần đây, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang từng bước chuyển dịch từ mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Sự chung tay của cả xã hội, đột phá trong tư duy, đổi mới sáng tạo nhằm góp phần đưa ra các giải pháp cho doanh nghiệp và địa phương, chuyển giao công nghệ và giáo dục, nâng cao ý thức thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn là cần thiết và cấp bách.
Hiện nay, tại nước ta mặc dù chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ, đúng nghĩa nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Điển hình trong đó là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống đã sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, mà chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường tại không ít địa phương hiện nay.
Với lĩnh vực nông nghiệp, một số ngành như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên có lợi cho chính hoạt động nông nghiệp và cho nhiều lính vực khác, tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị lãng phí. Trên cơ sở làm rõ khái niệm cũng như các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn, cần nghiên cứu đề xuất các định hướng nhằm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn như các mô hình tận dụng, tái chế, thu hồi chất thải trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng kinh tế tuần hoàn cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Với lĩnh vực công thương, mô hình sản xuất sạch đã được đẩy mạnh triển khai áp dụng rộng rãi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến nay gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trở thành các mô hình điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.
Ngoài ra, một số mô hình cũng được Bộ Công Thương triển khai như: Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại cơ sở công nghiệp; Xây dựng, phổ biến nhân rộng các mô hình trình diễn thành công về sử dụng năng lượng thay thế trong các cơ sở sản xuất kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước…
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực công nghệ, tái sử dụng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, thách thức này cần được khắc phục nếu không việc phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ mang tính tự phát và chịu sự điều chỉnh của thị trường.
Theo VietQ