Cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc tái sử dụng sản phẩm

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Bảy 8, 2022 | 11:05 - Lượt xem: 769

Cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc tái sử dụng, định danh cụ thể với từng loại sản phẩm để người tiêu dùng có thể tiếp cận và hiểu rõ việc tái sử dụng.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến “Tái sử dụng và Kinh tế tuần hoàn” do Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) tổ chức, TS Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường thuộc Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường nhận định, tái sử dụng là ưu tiên trong kinh tế tuần hoàn. Ông cho biết, tái sử dụng giúp kéo dài thời gian và chu trình sử dụng sản phẩm, qua đó giải quyết việc tái chế vật liệu, đồng thời giảm chất thải phát sinh.

Lấy ví dụ trong hoạt động kinh doanh điện thoại, ông Mạnh cho rằng có thể tái thiết kế sản phẩm chuỗi cung ứng bằng cách tận dụng thành phần linh kiện của sản phẩm thải bỏ, đồng thời tái chế chất thải rắn nhằm thu hồi nguyên liệu, nhiên liệu, giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm chất thải, chất ô nhiễm.

TS Mạnh đánh giá, thương mại điện tử như Internet vạn vật (IoT) đang thúc đẩy việc mua sắm sản phẩm cũ. Hiện nay khu vực ASEAN đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn và dịch vụ tuần hoàn đối với các sản phẩm cũ. Do đó, ngay từ giai đoạn thiết kế các doanh nghiệp cần xác định về việc sử dụng vòng đời hàng hóa để thúc đẩy tái sử dụng.

 Cần ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tái sử dụng. Ảnh minh hoạ

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, bà Quách Thị Xuân, điều phối viên Liên Minh Không rác Việt Nam cho biết mô hình ly tái sử dụng (Ly Muuse) tại Singapore có thể áp dụng đối với Việt Nam. Ở đó, khách hàng mua cafe bằng ly của công ty, quét mã QR của ly bằng phần mềm Muuse để thanh toán và sau đó trả lại ly tại các điểm thu gom. Những chiếc ly được nhân viên khử trùng và tiếp tục quay trở lại phục vụ khách hàng. Theo bà Xuân, việc tái sử dụng đơn thuần như dùng túi tái chế, túi sử dụng nhiều lần, bình cá nhân cũng giúp giảm rác thải nhựa hiệu quả.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc tái sử dụng, định danh cụ thể với từng loại sản phẩm để người tiêu dùng có thể tiếp cận và hiểu rõ việc tái sử dụng. Bên cạnh đó, khuyến khích áp dụng giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại thu gom, vận chuyển tái chế và xử lý chất thải rắn.

Theo VietQ