Cam kết TBT trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười 7, 2020 | 16:02 - Lượt xem: 2378

Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và được cụ thể hoá qua những bước đi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng chất lượng. Mở đầu cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến nay Việt Nam đã đàm phán và gia nhập hơn 13 Hiệp định thương mại tự do với tư cách là một thành viên của ASEAN và với tư cách là một bên độc lập.

Trong đó có những Hiệp định được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do mức độ cam kết rộng và sâu với nhiều lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước… Hai trong số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nổi bật nhất mà Việt Nam tham gia hiện nay là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Trong hai Hiệp định này thuế quan được cam kết xoá bỏ ở mức cao, ví dụ trong CPTPP 65.8% số dòng thuế có thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong khi đó EVFTA 48.5% dòng thuế của Việt Nam sẽ về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sau từ 3-11 năm, tất cả các dòng thuế sẽ dần về 0%.

Hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ có thể dẫn tới kịch bản hàng rào kỹ thuật bằng cách này hay cách khác được các nước áp dụng nhiều hơn để bảo vệ hàng hoá trong nước của mình, hơn thế nữa các hàng rào này sẽ được dựng lên một cách tinh vi và phức tạp hơn. Lịch sử đã cho thấy, sau khi hình thành Thoả thuận thương mại và thuế quan GATT, từ năm 1947 đến năm 1995 thuế quan đã giảm từ 40% xuống 4%, nhưng trong thời gian đó thế giới chứng kiến các hàng rào phi thuế quan tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước GATT 1947.

Các hàng rào này không thể cân đong đo đếm và tính toán định lượng để xác định thiệt hại về mặt kinh tế mà các nước gặp phải. Đó là lý do hàng rào phi thuế quan đã trở thành chủ đề được các nước quan tâm và bắt đầu được đưa vào đàm phán tại Vòng đàm phán Tokyo từ năm 1973, khởi đầu cho các Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT), Hiệp định về biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm (Hiệp định SPS) của WTO sau này.

Để đảm bảo rằng khi rào cản thuế quan được dỡ bỏ dần, hàng rào phi thuế quan không được tạo ra một cách vô lý nhằm cản trở thương mại, gây mất bình đẳng và phân biệt đối xử, các cam kết về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) cùng với cam kết khác đã được các nước đưa vào khung đàm phán với mục đích dỡ bỏ những rào cản kỹ thuật cản trở thương mại quá mức cần thiết. Hiệp định TBT là một trong các Hiệp định quan trọng của WTO và Chương TBT cũng trở thành một phần không thể thiếu của các Hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia.

Xét về cấu trúc, mặc dù đều căn cứ trên cam kết nền về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp của Hiệp định WTO/TBT, nhưng CPTPP và EVFTA có hai Chương TBT không hoàn toàn tương đồng. Chương TBT của Hiệp định CPTPP có 13 điều và 7 Phụ lục, đây là Hiệp định thương mại tự do khu vực đầu tiên mà Việt Nam cam kết có thêm các Phụ lục về sản phẩm, hàng hoá cụ thể. Trong khi đó EVFTA gồm có 11 điều khoản và không có phụ lục nào.

Hai Chương TBT của CPTPP và EVFTA có 7 điều khoản tương tự gồm Mục tiêu; Phạm vi áp dụng; Định nghĩa; Tiêu chuẩn; Quy trình đánh giá sự phù hợp; Minh bạch hoá; Hợp tác và thuận lợi hoá thương mại và 12 điều khoản khác nhau cụ thể trong CPTPP có các điều khoản về Tích hợp với Hiệp định TBT, Giai đoạn phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp, Trao đổi thông tin và thảo luận kỹ thuật, Uỷ ban TBT, Điểm hỏi đáp và các Phụ lục (rượu vang và rượu chưng cất; sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông; dược phẩm; mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; công thức độc quyền cho phụ gia thực phẩm và thực phẩm bao gói sẵn; sản phẩm hữu cơ), trong khi đó EVFTA lại có các điều khoản cam kết về Khẳng định Hiệp định TBT của WTO, Quy chuẩn kỹ thuật, Hậu kiểm, Ghi dấu và ghi nhãn, Tham vấn, Thực thi.

Xét về nội dung, CPTPP/TBT và EVFTA/TBT đều phải căn cứ trên các nguyên tắc cốt lõi của WTO/ TBT như không phân biệt đối xử, tạo thuận lợi thương mại, không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế… Tuy nhiên, nếu WTO/TBT là những cam kết khung thì CPTPP/TBT và EVFTA/TBT cam kết cụ thể hơn, chi tiết hơn, có thể hiểu các nội dung, nguyên tắc của Hiệp định TBT đã được tích hợp trong các cam kết TBT của CPTPP và EVFTA. Mức độ cụ thể hay chi tiết trong cam kết phản ánh mong muốn của các nước tham gia hai hiệp định này. Ví dụ trong CPTPP/TBT, Điều 2 về xây dựng, thông qua và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật do các cơ quan chính phủ trung ương ban hành được tích hợp với các điều 2.1, 2.2, 2.4, 2.5, 2.9, 2.10, 2.11 và 2.12 của Hiệp định WTO/TBT; Điều 5. Tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế được tích hợp với đoạn D, E, F của Phụ lục 3 trong Hiệp định WTO/TBT. EVFTA/TBT không chỉ rõ các điều khoản của WTO/TBT được tích hợp vào Chương TBT nhưng khẳng định các quyền và nghĩa vụ theo Hiệp định này.

Về tiêu chuẩn, cả hai Chương TBT của CPTPP và EVFTA đều khẳng định vai trò của tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế trong việc xoá bỏ rào cản không cần thiết đối với thương mại, trong đó đều coi Quyết định mà Uỷ ban WTO/TBT ban hành về các nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế là căn cứ để xác định một tiêu chuẩn thế nào là một tiêu chuẩn quốc tế. Quyết định này đưa ra 6 nguyên tắc để xác định tiêu chuẩn quốc tế giúp các nước sử dụng làm căn cứ khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của mình.

Riêng Chương EVFTA/TBT bổ sung quy định liên quan tới hài hoà tiêu chuẩn trong đó lấy tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng để xem xét việc hài hoà. Ngoài ra còn yêu cầu tiêu chuẩn khi được quy định thành bắt buộc áp dụng trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp sẽ phải thực hiện minh bạch hoá. Yêu cầu này cũng chặt chẽ và chi tiết hơn so với Hiệp định WTO/TBT.

Về quy chuẩn kỹ thuật, Chương EVFTA/TBT có một điều khoản riêng về quy chuẩn kỹ thuật quy định chi tiết hơn các điều 2.2, 2.7, Điều 13 của Hiệp định WTO/TBT. Để đáp ứng yêu cầu của EVFTA, quy chuẩn kỹ thuật phải được xây dựng căn cứ trên tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO), Uỷ ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) và Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex (CAC), trừ khi những tiêu chuẩn này không phù hợp với mục tiêu hợp pháp như bảo vệ sức khoẻ, an toàn, bảo vệ môi trường… Cụ thể hơn so với WTO/TBT, EVFTA/TBT yêu cầu phải giải thích lý do vì sao tiêu chuẩn quốc tế đó được coi là không phù hợp.

Chấp nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật là một quy định tại Điều 2.7 của Hiệp định WTO/TBT, tuy nhiên việc yêu cầu chấp nhận tương đương hay giải thích lý do trong trường hợp không chấp nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật được quy định cụ thể hơn trong EVFTA/TBT.

CPTPP/TBT không có điều khoản riêng về quy chuẩn kỹ thuật, thay vào đó các nghĩa vụ liên quan tới quy chuẩn kỹ thuật được đưa vào các điều khoản khác nhau của Chương, ví dụ quy định minh bạch hoá, quy định giai đoạn thực thi… đặc biệt quy chuẩn kỹ thuật là đối tượng quan trọng của nghĩa vụ minh bạch hoá, do vậy việc thực hiện minh bạch hoá đối với quy chuẩn kỹ thuật được quy định trong CPTPP chặt chẽ và cụ thể hơn nhiều so với WTO/TBT. Ví dụ, nghĩa vụ quy định công bố tất cả dự thảo quy chuẩn kỹ thuật, dự thảo bản sửa đổi bổ sung, văn bản đã ban hành của các dự thảo này theo yêu cầu thông báo của Hiệp định TBT hoặc Chương CTPPP/TBT trên trang công báo hoặc website chính thức riêng, hay quy định phải thông báo cả những quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với nội dung kỹ thuật của tiêu chuẩn, hướng dẫn hoặc khuyến nghị quốc tế có khả năng tác động đáng kể lên thương mại, trong khi đó Điều 2.5 của Hiệp định TBT quy định quy chuẩn kỹ thuật nếu được xây dựng căn cứ trên tiêu chuẩn quốc tế sẽ được xem là không tạo ra rào cản không cần thiết đối với thương mại quốc tế và đồng nghĩa không phải thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá.

Về đánh giá sự phù hợp, Điều 6 về đánh giá sự phù hợp của CPTPP có 16 khoản trong khi đó Điều 6 của EVFTA có 6 khoản. Đánh giá sự phù hợp của CPTPP tích hợp các điều 5.2, 5.4, 6.3, 6.4, 9.1, 9.2 và EVFTA tích hợp các điều 5.1, 5.2 và 5.4 của Hiệp định WTO/TBT. Cả hai Chương TBT đều yêu cầu nếu từ chối chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp phải giải thích lý do cụ thể về việc từ chối.

CPTPP/TBT yêu cầu phí đánh giá sự phù hợp phải được tính toán dựa trên chi phí xấp xỉ của dịch vụ và yêu cầu nước thành viên không được bắt doanh nghiệp phải hợp pháp hoá lãnh sự hồ sơ đánh giá sự phù hợp và nộp các loại phí liên quan. Trong khi đó, EVFTA nhấn mạnh nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT) và Đối xử tối huệ quốc (MFN) trong việc áp dụng các loại phí về đánh giá sự phù hợp sản phẩm trong nước với nước ngoài và với nước thứ ba.

CPTPP yêu cầu không phân biệt đối xử giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước và tổ chức đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ của nước thành viên CPTPP. Ngoài ra CPTPP cũng quy định chặt chẽ những điều không được cấm, không được yêu cầu đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Ví dụ không được yêu cầu tổ chức đánh giá sự phù hợp phải nằm trên lãnh thổ của mình hoặc phải có văn phòng đại diện tại lãnh thổ của mình, không được cấm áp dụng các hiệp định thừa nhận lẫn nhau để công nhận, cấp phép thừa nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp nằm ngoài nước. Bên cạnh đó cũng không được từ chối chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp vì các lý do như tổ chức công nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện các hoạt động đánh giá nằm trên quốc gia có nhiều tổ chức công nhận, là một tổ chức phi chính phủ, không có văn phòng đại diện tại nước mình…

EVFTA chủ yếu tập trung quy định các cơ chế giúp thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp như việc căn cứ vào công bố phù hợp, thực hiện các thoả thuận tự nguyện giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp…

Như vậy, về cơ bản có thể thấy cách tiếp cận về đánh giá sự phù hợp của CPTPP và EVFTA khác nhau mặc dù đều tích hợp và căn cứ trên nền tảng là Hiệp định WTO/TBT.

Tôn Nữ Thục Uyên