Cải tiến năng suất nhờ đổi mới tư duy, sáng tạo
Thứ Sáu, Tháng Bảy 19, 2019 | 17:14
Nhờ đổi mới tư duy, sáng tạo nhiều doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời định vị vững mạnh trên thị trường.
Ngành thép luôn phải đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, trong khi sản xuất trong nước cung đang lớn hơn cầu, chi phí năng lượng không ngừng tăng cao. Trước thực trạng đó, Công ty Posco – VSC đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Dây chuyền sản xuất của Posco
Posco luôn đề cao sự sáng tạo với phương châm “tài nguyên là hữu hạn, sức sáng tạo là vô hạn” và áp dụng điều này rộng rãi để phát triển không chỉ ở tập đoàn mà còn ở tất cả các đơn vị thành viên. Tại Posco, các ý tưởng luôn được trao đổi và hiện thực hóa trên cơ sở tính khả thi cao, xây dựng thành dự án và lập kế hoạch trực quan. Điểm mấu chốt làm nên thành công của kế hoạch này chính là làm rõ quyền quyết định và có thể thay đổi cấu trúc.
Cụ thể, công ty đã áp dụng kế hoạch trực quan giúp hiệu suất công việc tốt hơn, giảm thời gian làm việc vô ích, tăng công việc tạo giá trị thêm được 17%, giảm công việc đột xuất được 21% và nâng cao sự hài lòng về công việc trong người lao động từ 30 – 90%. Điểm mấu chốt làm nên thành công của kế hoạch này chính là làm rõ quyền quyết định và có thể thay đổi cấu trúc.
Ông Choi Jeong Woo – Chủ tịch Posco – cho biết, ở Việt Nam, các nhà máy đều sản xuất ngưng giờ cao điểm, có nhà máy chỉ chạy vào ca đêm. Việc sản xuất không liên tục này gây ra nhiều bất lợi khi bắt đầu sản xuất lại sau thời gian ngưng do lượng xỉ và thép trong lò còn lại từ mẻ trước không hết đã đông cứng và bị oxy hóa, không chỉ làm kéo dài thời gian nấu luyện mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu hao khác… Do vậy, công ty thực hiện giải pháp áp dụng công cụ đánh giá quá trình hiệu quả, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, cùng với các giải pháp cải tiến khác, doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng và áp dụng nghiêm ngặt các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 14001, ISO 50001 hay JIS (Nhật Bản) và ASTM… Đây chính là cơ sở, nền tảng để các doanh nghiệp có thể quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như chi phí sản xuất.
Nhờ sự phát triển thành quả kinh doanh và nỗ lực cải tiến không ngừng, Posco đã giữ vị trí “số 1” với danh hiệu Công ty thép có năng lực cạnh tranh đứng đầu trên toàn thế giới trong suốt 9 năm liền (2009-1018).
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (VIMICO) đã không ngừng áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất, nâng cao quản trị doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, nhờ đó năng suất lao động đã tăng lên rõ rệt.
Ngay sau khi chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần hóa (CPH) từ tháng 7/2014, đội ngũ lãnh đạo VIMICO đã ý thức rằng: Việc nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp sau CPH rất quan trọng và là điều kiện tiên quyết để công ty phát triển bền vững. Với nền tảng công nghệ thiết bị hiện đại, đội ngũ kỹ thuật được đào tạo cơ bản ở các trường trong nước và nước ngoài với chuyên môn cao. Ban lãnh đạo công ty đã bắt tay vào tái cơ cấu sắp xếp lại lao động, phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Bằng việc đưa ra các giải pháp đúng đắn và thực hiện quyết liệt các giải pháp ở tất cả các cấp trong công ty, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thay đổi ngoạn mục. Theo đó, chất lượng sản phẩm đã từng bước được nâng cao không còn lẫn tạp chất trong sản phẩm, nhờ thế, giá bán cao hơn và doanh thu tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Trước CPH, năng suất chỉ đạt dưới 10.000 tấn kẽm thỏi/năm thì hiện nay, đã đạt trên 10.000 tấn/năm. Công ty từng bước làm ăn có lãi, khả năng sinh lời lên 85%, năm 2017, doanh thu đạt 802 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,4 triệu đồng/người/tháng.
Cải tiến năng suất là một hành trình đòi hỏi nỗ lực không ngừng nghỉ. Có như vậy, thương hiệu VIMICO mới định vị vững mạnh trên thị trường và nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Hay tại May Chiến Thắng luôn đẩy mạnh việc phát huy cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong sản xuất, cải thiện môi trường làm việc tốt hơn và mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Các sáng kiến cải tiến là tiền đề áp dụng trực tiếp vào quá trình sản xuất và mang lại nhiều hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, cải thiện năng suất.
Các sáng kiến cải tiến từ các nhà máy sản xuất của Công ty được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất như: Cữ gá trong quy trình may mép túi, nẹp, cổ áo Jacket cho đường may chính xác, nâng cao chất lượng sản phẩm; Sáng kiến đặt cơi bổ liền hai túi sườn trên cùng bộ cữ gá giúp quá trình diễn ra nhanh và chính xác hơn. Sáng kiến thiết kế và gia công, lắp đặt điều chỉnh gạt chân vị và thao tác may giấu đầu chỉ mã sản phẩm. Với sáng kiến may giấu đầu chỉ đã giúp Công ty tiết kiệm thời gian khi loại bỏ công đoạn cắt đầu chỉ thừa, công đoạn di chần các sản phẩm. Những sáng kiến này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn thức đẩy mức tăng trưởng của công ty lên đến 15-20%/năm. Năm 2017, doanh thu của Công ty đạt gần 120 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 2 năm 2016, 2017 có thể coi là năm đột phá của May Chiến Thắng. Thông qua cải tiến, đầu tư công nghệ hiện đại và đồng bộ hóa quy trình, năng suất và chất lượng sản phẩm của công ty đã được cải thiện rõ rệt… Theo đó, ban lãnh đạo công ty đã quyết định nâng cao thu nhập của người lao động tăng từ 5,5 triệu đồng (2016) lên 6,5 triệu đồng/người/tháng (2017), doanh thu của Công ty đạt gần 120 tỷ đồng.
Trương Vân