Cải thiện NSLĐ giải quyết phần nào mối quan hệ giữa “năng suất” và “chất lượng”

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Ba 22, 2019 | 9:27 - Lượt xem: 1302

Chính sách cải thiện năng suất lao động tại Việt Nam đã giải quyết phần nào vấn đề bức mối quan hệ giữa “năng suất” và “chất lượng” sau thời kì đổi mới. Tuy nhiên, để năng suất lao động cải thiện thực sự, các chuyên gia cho rằng, phải bắt đầu từ cam kết của lãnh đạo để đảm bảo chính sách sẽ được thực hiện hiệu quả, mang lại kết quả tốt đẹp.

Chiều 21-3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) tổ chức hội thảo “Cải thiện năng suất lao động Việt Nam để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế-Đại học quốc  gia Hà Nội) cho biết, trong 25 năm qua, NSLĐ Việt Nam chỉ tăng chưa tới 3 lần, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của các nước khác và trở nên thật sự tụt hậu. Thực tế này đang và sẽ gây tác hại, cản trở đà tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, riêng NSLĐ của khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng (là khu vực quan trọng nhất) từ lâu đã chững lại, gây ra tình thế bất lợi cũng như kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đúng và chú trọng cho hoạt động đầu tư mua sắm, trang bị dây chuyền sản xuất bằng công nghệ theo hướng hiện đại để hỗ trợ người lao động, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tiên tiến để nhân công có thể tận dụng, phát huy tối đa năng lực và từ đó cũng nâng cao NSLĐ…
Bên cạnh đó, đánh giá về chính sách cải thiện năng suất lao động tại Việt Nam, ông cho biết: Chính sách cải thiện NSLĐ đã giải quyết phần nào vấn đề bức mối quan hệ giữa “năng suất” và “chất lượng” sau thời kì đổi mới qua hai thập niên. Cùng với đó, các cơ quan liên quan tích lũy được kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực năng suất cùng với lượng lớn nhân lực được đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) cho rằng, tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động. Trong đó, việc thay đổi môi trường, thể chế là điều quan trọng để tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó tăng năng suất lao động. Muốn tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế, Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ coi lao động giá rẻ là một lợi thế bởi nếu lao động giá rẻ, thì đương nhiên thu nhập của người lao động thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam nên đi vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn thay vì gia công sản phẩm cho các nước như hiện nay, đồng thời cải cách thể chế, tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung như: Những đặc điểm căn bản của tiến trình tăng năng suất lao động ở Việt Nam; các phương pháp cải thiện năng suất lao động và hiệu quả nền kinh tế: Những gợi ý từ kinh nghiệm Nhật Bản; những sáng kiến chính sách thúc đẩy năng suất quốc gia của Singapore.
Sau cùng, Việt Nam cần nhận diện, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu, hạn chế về NSLĐ để có biện pháp từng bước khắc phục. Điều đó cần sự quyết tâm động và nỗ lực liên tục từ cấp điều hành vĩ mô đến cơ quan quản lý, đặc biệt là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Xét về lý thuyết, một khi nâng cao được tốc độ tăng NSLĐ thì sẽ rút ngắn được khoảng cách tụt hậu với các nước và thời gian tới sự thịnh vượng của nền kinh tế.
TH