Cách mạng công nghiệp 4.0: ‘Chìa khóa’ giúp ngành dệt may nâng cao năng suất chất lượng
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Bảy 22, 2019 | 16:29 - Lượt xem: 1488
Nhờ ứng dụng công nghệ tự động hóa cũng như công nghệ thông tin, ngành dệt may đã nâng cao năng suất, cũng như giảm số người lao động cho doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư là trào lưu mới đang xuất hiện trên thế giới, đặc biệt đây là cuộc cách mạng công nghiệp áp dụng các ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin với 3 trụ cột: Internet cho vạn vật (IoT), big data (dữ liệu lớn) và trí tuệ nhân tạo.
Có thể thấy, doanh nghiệp dệt may đã bắt nhịp khá tốt với CMCN 4.0. Ngành dệt may có 3 lĩnh vực chính là sợi – dệt nhuộm – may mặc, trong đó ngành sợi và dệt nhuộm đã ứng dụng tự động hóa cũng như ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong thời gian qua. Quá trình này đã nâng cao về năng suất, tốc độ cũng như giảm số người lao động cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây 10 năm, để sản xuất 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì đến nay chỉ cần 25 – 30 lao động, giảm gần 4 lần so với trước đây.
Tự động hóa và đồng bộ các thiết bị sản xuất của ngành dệt may
Điển hình, như tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân, ngay từ khi CMCN 4.0 nổi lên với công nghệ tự động hóa, ứng dụng Big Data trong quản lý sản xuất, điều hành doanh nghiệp, Công ty đã nhanh tay tự động hóa sản xuất và đồng bộ hóa các thiết bị. Nhờ đó, công suất 3 nhà máy sản xuất sợi của doanh nghiệp đã tăng gấp 2 lần, đạt sản lượng 17.000 tấn/năm.
Bên cạnh tự động hóa sản xuất, Tổng công ty May 10- CTCP cũng đã ứng dụng phần mềm quản lý kinh doanh trực tuyến DIP BMS.NET. Phần mềm này là một hệ thống quy trình quản lý khép kín, có sự phân quyền chi tiết đến từng chi nhánh, phòng, ban… giúp cho tổng công ty có thể quản lý và kiểm soát tốt các giao dịch của chuỗi đại lý phân phối từ khâu mua hàng, bán hàng, đến kho, quỹ một cách tổng thể và hiệu quả.
Theo Tổng Giám đốc Vinatex – Lê Tiến Trường, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam. Nếu như từ trước đến nay, các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có đông lực lượng lao động đều coi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản,… là những ngành để tạo việc làm nhưng cũng luôn luôn cho rằng đây là những ngành tạo ra giá trị thấp, thu nhập thấp.
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh. Việc này khác với việc tăng năng suất thông thường qua sự chuyển đổi đời máy, nâng tốc độ như đã diễn ra trong suốt hơn 2 thập niên qua.
Lần này với việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường.
Vì thế những ngành vẫn bị đánh giá là thu nhập thấp sẽ có khả năng cải thiện rất nhanh thu nhập, giúp thu nhập của người lao động tiệm cận, tương đương với các ngành khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ngành tiếp tục thu hút được lượng lớn các lao động, phát triển bền vững hơn, tránh được tình trạng biến động lao động.