Cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười 24, 2018 | 14:58 - Lượt xem: 1638

Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab khẳng định, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ ảnh hưởng tới cách sống của con người mà còn định nghĩa lại chúng ta là ai.

Chủ tịch WEF: Cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Chủ tịch WEF: cách mạng 4.0 thay đổi căn bản chúng ta

Trong cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được phổ biến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN đã diễn ra tại Hà Nội, ông khẳng định, cuộc cách mạng này hoàn toàn khác biệt về tầm vóc, quy mô và độ phức tạp so với bất kỳ cuộc cách mạng nào trướcg đây.

Với đặc trưng là một loạt công nghệ mới hòa trộn thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học, những bước phát triển của cuộc cách mạng này đang ảnh hưởng đến mọi quy tắc, mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề và chính phủ, thậm chí thách thức cả nội hàm của khái niệm “con người”.

Trí tuệ nhân tạo đã sớm hiện diện quanh ta, từ các siêu máy tính, thiết bị bay không người lái, trợ lý ảo đến công nghệ in 3D, giải mã gen, nhiệt kế thông minh, cảm biến đeo người và các siêu vi mạch nhỏ hơn hạt cát.

Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu: vất liệu nano cứng hơn thép 200 lần, mỏng hơn sợi tóc 1 triệu lần,… Hãy tưởng tượng những “nhà máy thông minh” trong đó các hệ thống sản xuất toàn cầu được điều phối ảo, hay điện thoại di động cấy ghép được trên cơ thể người nhờ sử dụng vật liệu sinh học tổng hợp.

Ông cho rằng, cuộc cách mạng này có ý nghĩa quan trọng và có tác động lan tỏa sâu sắc hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây trong lịch sử nhân loại.

Thay đổi từ chính phủ

Ông cho rằng cuộc cách mạng này đang định hình lại cách hoạt động của các tổ chức và thể chế công. Những thay đổi này buộc chính phủ phải điều chỉnh bằng cách tự làm mới mình và tìm ra những cách thức hợp tác với người dân và khu vực tư nhân.

Chính phủ cũng phải thích ứng với thực tế là quyền lực từ nhà nước chuyển dịch sang các thực tể phi nhà nước, từ các thể chế đã có sẵn sang những mạng lưới lỏng lẻo. Các công nghệ mới, các nhóm xã hội và những tương tác họ tạo ra cho phép hầu như bất kỳ ai cũng có thể tạo ra ảnh hưởng theo cách mà chỉ mấy năm trước vẫn còn là không tưởng.

Công nghệ sẽ ngày càng trao thêm sức mạnh cho người dân, đem lại  phương thức mới để họ thể hiện quan điểm, tạo điều kiện cho họ phối hợp hành động và có thể tránh khỏi sự giám sát của chính phủ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, khi công nghệ giám sát mới có thể lại tạo ra quyền lực vạn năng cho các cơ quan công quyền.

Tốc độ thay đổi nhanh chóng của cuộc cách mạng này đang đặt ra thách thức ở cấp độ chưa từng có với các nhà quản lý. Bộ máy chính trị, lập pháp và hành pháp thường chạy theo sự kiện, không thể ứng phó với tốc độ thay đổi công nghệ và tầm vóc ảnh hưởng của nó. Chu kỳ tin tức 24 giờ gây áp lực cho giới lãnh đạo phải đưa ra các bình luận hoặc hành động ngay lập tức, giảm thời gian cần có để đưa ra các phản ứng chuẩn mực, đúng nguyên tắc và tính toán kỹ càng.

Ông đưa ra hai triết lý để chính phủ tiếp cận. Thứ nhất, những gì không quy định rõ là bị cấm đều được phép. Thứ hai, những gì không quy định rõ là được phép đều bị cấm. Chính phủ phải tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo phát triển, đồng thời phải giảm thiểu rủi ro.

Cho đến từng các cá nhân

Schwab nhận xét, nhiều loại hình công việc, đặc biệt là những công việc có đặc thù máy móc lặp đi lặp lại và đòi hỏi lao động chân tay chính xác đã được tự động hóa. Sớm hơn dự đoán của đa số, công việc của những nghề như luật sư, phân tích tài chính, bác sỹ, phóng viên, kế toán, bảo hiểm hay thủ thư có thể sẽ được tự động hóa một phần hay toàn bộ.

Thực tế cho thấy, cách mạng lần này có vẻ tạo ra ít việc làm hơn trong ác ngành công nghiệp mới so với các cuộc cách mạng trước đây. Thậm chí, một báo cáo được Schwab trích dẫn cho thấy, 47% số việc làm tại Mỹ có nguy cơ bị tự động hóa trong một hoặc hai thập kỷ tới với đặc thù là quy mô triệt tiêu việc làm rông hơn nhiều và với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những lần chuyển dịch thị trường lao đọng trong các cuộc cách mạng trước đây.

Theo đó, ông nhận xét, cuộc cách mạng này không chỉ thay đổi cách chúng ta làm việc mà còn thay đổi bản thân chúng ta. Nó tác động nhiều mặt đến mỗi chúng ta, ảnh  hưởng đến bản sắc cá nhân và những khía cạnh liên quan – ý thức về sự riêng tư, khái niệm về sở hữu, tập quán tiêu dùng, cách chúng ta dành thời gian cho công việc và giải trí, cách phát triển sự nghiệp và trau dồi kỹ năng.

Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ đang đẩy chúng ta đến những biên giới mới về luân lý. Liệu chúng ta chỉ nên sử dụng những tiến bộ đáng kinh ngạc của sinh học để chửa bệnh hay làm lành vết thương, hay nên dùng chúng để biến bản thân thành những con người hoàn hảo hơn?

Nếu chấp nhận phương án sau, chúng ta có nguy cơ biến cha/mẹ thành một phần của xã hội tiêu dùng, nơi trẻ em trở thành hàng hóa, những vật thể được đặt hàng theo nguyện vọng của chúng ta? Và “hoàn hảo hơn” nghĩa là gì? Là miễn nhiễm với bệnh tật? Sống lâu hơn? Thông minh hơn? Chạy nhanh hơn? Có ngoại hình như ý muốn?

Theo thanhtra.com.vn