Các sản phẩm may mặc phải công bố hàm lượng formaldehyt và amin thơm theo quy chuẩn quốc gia
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười Một 30, 2018 | 8:43 - Lượt xem: 3971
Kể từ 1/1/2019, các sản phẩm may mặc khi đưa ra thị trường buộc phải công bố hàm lượng formaldehyde và các amin thơm, hai hợp chất được cho là gây ung thư cho người nếu vượt quá hàm lượng.
Quy định này được đề cập trong Thông tư 21/2017TT-BCT do Bộ Công Thương vừa ban hành và TT20 sửa đổi, hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Theo đó, các sản phẩm may mặc khi lưu thông ra trường bắt buộc phải công bố hàm lượng formaldehyt theo quy chuẩn quốc gia, quy định về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo.
Từ 1/1/2019, các sản phẩm may mặc khi đưa ra thị trường buộc phải công bố hàm lượng formaldehyde và các amin thơm
Cụ thể, các doanh nghiệp trước khi bán sản phẩm dệt may ra thị trường nội địa phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) cho sản phẩm.
Trong bảng thông tin hợp quy này, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thực hiện mức giới hạn hàm lượng formaldehyt dưới 30 mg/kg với sản phẩm dệt may cho trẻ em dưới 3 tuổi; 75mg/kg đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp da và 300 mg/kg đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp da. Riêng hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo được quy định không vượt quá 30 mg/kg.
Theo quy định của Thông tư 21 nói trên, doanh nghiệp tự công bố hợp quy hoặc dựa vào kết quả chứng nhận của tổ chức giám định cung cấp.
Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, việc công bố quy chuẩn hàm lượng formaldehyt là cần thiết khi formaldehyt lẫn amin thơm đều được xác định có khả năng gây ung thư cho người dùng nếu hàm lượng vượt mức cho phép. Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có QCVN về giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm. Trước đó, Bộ Công thương cũng đã ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT về việc quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm AZO trong sản phẩm dệt may.
Trương Vân