Các nước thành viên APO và sáng kiến ứng dụng sản xuất thông minh
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng TưTháng Tư 5, 2021 | 21:57 - Lượt xem: 1015
Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) nhóm các chuyên gia về năng suất của các nước thành viên APO đã thực hiện nghiên cứu và có báo cáo “Assesment of Smart Manufacturing in APO Menber Countries” về hoạt động ứng dụng Sản xuất thông minh tại các nước thành viên. Đại diện Việt Nam tham gia nghiên cứu này có TS. Hà Minh Hiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.
Các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu với nền kinh tế tiên tiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất thông minh thông qua các chiến lược cạnh tranh quốc gia của mình. Chẳng hạn như ở phương tây có chính sách Công nghiệp 4.0 (Đức) hay Đối tác sản xuất tiên tiến (Mỹ).
Cuốn báo cáo được phát hành kỷ niệm 60 năm Thành lập APO
Tại Châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) đã đề xuất “Sáng kiến 4.0” năm 2015 và sau đó là “Kế hoạch Chuyển đổi Công nghiệp 5 + 2” năm 2016 như một phần của chiến lược phát triển công nghệ nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Indonesia đã khởi xướng chiến lược và lộ trình riêng với tên gọi “Making Indonesia 4.0” để thúc đẩy triển khai sản xuất thông minh.
Tương tự như vậy, sản xuất cũng là một động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng chiến lược quốc gia “Thái Lan 4.0” để khuyến khích các công ty sản xuất của mình chuyển sang sản xuất thông minh thông qua việc áp dụng công nghệ kết nối, tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn…
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực quốc gia để giải quyết những thách thức do Công nghiệp 4.0 đặt ra. Ngay sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia với tên gọi “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của Công nghiệp 4.0” thực hiện đến năm 2025.
Trung Quốc cũng thúc đẩy “Make in China 2025” để tăng cường công nghệ và cơ cấu công nghiệp nhằm chuyển từ vị thế công xưởng của thế giới sang vị thế dẫn dắt nền sản xuất toàn cầu.
Mô hình mạng lưới sản xuất toàn cầu và chuỗi cung ứng hiện nay đang thay đổi. Việc áp dụng ngày càng nhiều AI, internet vạn vật (IoT), phân tích, điện toán đám mây và robot đang cho phép các cấp độ sản xuất thông minh chưa từng có. Tuy nhiên, hầu hết các cơ cấu ngành ở các nền kinh tế thành viên APO mới nổi với dân số lớn có thể chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi trực tiếp sang các hệ thống sản xuất thực tế ảo tiên tiến như được đề xuất trong Công nghiệp 4.0.
Hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn cung cấp phần lớn các cơ hội việc làm tại Châu Á – Thái Bình Dương, không thể mở rộng nhanh chóng và chuyển trực tiếp sang Công nghiệp 4.0. Họ phải đối mặt với nhiều rào cản như khó khăn liên quan đến các ưu tiên phân bổ nguồn lực của chính phủ, hạn chế về các khoản đầu tư phần cứng và phần mềm, sự thiếu hụt nhân tài và đường cong học tập dốc đứng. Tất cả những điều này phải được giải quyết trước khi những lợi ích tiềm năng của Công nghiệp 4.0 có thể được triển khai một cách đầy đủ.
Các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nên kết hợp các nguồn lực trong khu vực để củng cố thành trì vững chắc trong mạng lưới sản xuất toàn cầu và tiến lên bậc thang giá trị ngành. Điều này sẽ giúp họ duy trì lợi thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị của các hệ sinh thái kinh doanh khác nhau.
Đồng thời, họ cũng cần giải quyết các nhu cầu khác như tăng cường cơ sở hạ tầng công nghiệp, quy hoạch vùng, phát triển giáo dục và tài năng, chuyển đổi kỹ thuật số để nhân bản hóa cuộc cách mạng công nghiệp.
Dự án nghiên cứu này nhằm đánh giá và ghi nhận mức độ hoạch định chính sách, triển khai và áp dụng sản xuất thông minh tại các nền kinh tế thành viên. Nghiên cứu phân tích một số phân khúc ngành và doanh nghiệp dưới dạng mô hình nghiên cứu điển hình để tìm ra và xác định các lĩnh vực mới nổi cần chú trọng phát triển sản xuất thông minh để hỗ trợ nhu cầu của các nền kinh tế thành viên. Do vậy, APO đã tổ chức Cuộc họp Điều phối tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 12 đến ngày 14/11/2019 (sau đây gọi là Cuộc họp về đánh giá sản xuất thông minh của APO) nhằm đánh giá nhu cầu sản xuất thông minh của các nền kinh tế thành viên APO.
Báo cáo này có đưa vào các kết quả liên quan dựa trên các cuộc thảo luận tại Cuộc họp về đánh giá sản xuất thông minh, chuyến thăm quan nhà máy của nhà cung cấp giải pháp thông minh hàng đầu (Nexcom.com) ở Đài Loan (Trung Quốc) và các nghiên cứu liên quan trước đó. Đặc biệt, cuộc họp về đánh giá sản xuất thông minh của APO đã nhất trí dựa trên mô hình chính sách canvas của nghiên cứu này để làm khung đánh giá chính sách về sản xuất thông minh của các quốc gia khác nhau.
Khung đánh giá này xem xét, đối với chính sách và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia nói chung, mối quan hệ giữa các ngành công nghiệp ưu tiên và các kế hoạch phát triển cụ thể. Nó xác định các nhu cầu tương ứng đối với mỗi quốc gia và cơ quan chính phủ liên quan và/hoặc các tổ chức năng suất quốc gia.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát một số nghiên cứu điển hình từ các công ty khác nhau tại các nền kinh tế thành viên APO để xác định nhu cầu về sản xuất thông minh.
Cuộc họp về đánh giá sản xuất thông minh của APO đã khẳng định việc đánh giá sản xuất thông minh là rất quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp sang sản xuất thông minh, phát triển tài năng và hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APO. Do vậy, APO đã cố gắng hỗ trợ các nền kinh tế thành viên thông qua các sáng kiến mới.
Sau khi thành lập Trung tâm Xuất sắc (CoE) về mô hình hoàn hảo tại Singapore, CoE về Năng suất xanh ở Đài Loan (Trung Quốc), và CoE về Năng suất trong khu vực công tại Philippines, APO đã tích cực tham gia vào các vấn đề liên quan đến ngành công nghiệp thông minh và khuyến khích các nền kinh tế thành viên tổ chức các sự kiện và diễn đàn liên quan đến Công nghiệp 4.0 và sản xuất thông minh.
Do vậy, APO đã thành lập thêm CoE về Công nghệ thông tin cho Công nghiệp 4.0 ở Ấn Độ và CoE về Sản xuất thông minh (CoE về SXTM) tại Đài Loan (Trung Quốc). Kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp CoE về SXTM, APO trong việc thiết kế và triển khai các hoạt động sản xuất thông minh phù hợp và dựa trên nhu cầu của các nền kinh tế thành viên APO.
Kim Anh