Các chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam
Người viết: admin - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng Bảy 5, 2015 | 21:23 - Lượt xem: 1603
Ngày 28/5, tại Kiên Giang, Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Các chương trình KH&CN quốc gia với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam”.
Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang; Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam; Vũ Văn Khiêm, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam; Lê Thanh Việt, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang và hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý và sự nghiệp KH&CN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, lãnh đạo 21 Sở KH&CN các tỉnh thành phía Nam, các viện, trường đại học, các hiệp hội, các doanh nghiệp, báo đài, cơ quan truyền thông tại khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân phát biểu khai mạc và nêu mục đích, yêu cầu của Hội thảo; trong đó, đề cập đến bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia hiệp định tự do thương mại các nước ASEAN và một số quốc gia khác gắn với yêu cầu KH&CN liên quan đến điều kiện cạnh tranh về nhiều mặt. Bộ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế về công tác tổ chức, sự phối hợp, cơ chế triển khai thực hiện chương trình KH&CN phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ trong thời gian qua, yêu cầu vai trò các Sở, ngành và các đơn vị trực thuộc trong công tác KH&CN có biện pháp khắc phục, triển khai tốt trong thời gian tới. Bộ trưởng đã nhấn mạnh công tác KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải gắn kết trách nhiệm với cộng đồng KH&CN cả nước, qua hội thảo lần này Bộ KH&CN mong muốn đưa các chương trình KH&CN quốc gia đến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, gắn với yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội trong vùng, tập trung chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản; nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi mới để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
Ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu chào mừng và đánh giá cao sự cần thiết của Hội thảo đối với địa phương và vùng Nam Bộ.
Tham dự hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận và thảo luận về các chương trình KH&CN quốc gia: giới thiệu chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và các tiêu chí đề xuất nhiệm vụ thực hiện chương trình; tình hình phát triển doanh nghiệp KH&CN và triển khai chương trình 592 trong thời gian qua; thị trường KH&CN Việt Nam hiện nay và chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020; KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” tại các tỉnh phía Nam; chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Sau khi nghe các báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Quân thay mặt Ban chủ trì Hội thảo điều hành nội dung trao đổi, thảo luận. Hội thảo đã nhận được các ý kiến trao đổi từ đại diện các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, tập trung vào các vấn đề như: Áp dụng KH&CN trong nông nghiệp trong đó có cơ khí nông nghiệp, đặc biệt đối với yêu cầu giảm thất thoát sau thu hoạch, hiện đại hoá nông nghiệp trên cơ sở cơ khí nông nghiệp cần được quan tâm hơn; đề xuất gắn chỉ tiêu và thông số vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN một cách chặt chẽ hơn;…
Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trả lời và chia sẻ các ý kiến về việc xã hội chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu thực tiễn trong kinh doanh sản xuất, vai trò ngành cơ khí đặc biệt là cơ khí trong nông nghiệp, thực tế Việt Nam chưa có doanh nghiệp cơ khí đủ mạnh để thực hiện các dự án tầm quốc gia ngoại trừ một số ít doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này có hạn chế về vốn, thị trường và các điều kiện để nhận được sự hỗ trợ nhà nước; Bộ KH&CN sẽ có trao đổi với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương để đề xuất phát triển cơ khí trong sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng cũng đề nghị những tổ chức, cá nhân khi xây dựng đề xuất các nhiệm vụ KH&CN cần cụ thể mục tiêu thực hiện theo hướng định lượng, khi đó Hội đồng khoa học sẽ dễ dàng đánh giá mức độ hợp lý của các đề tài, dự án đề xuất.
Cuối buổi Hội thảo, thay mặt Ban Chủ trì hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu đã đến tham dự, báo cáo và thảo luận tại hội thảo. Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao tất cả các nội dung tham luận và các ý kiến tham gia phát biểu để có hướng chỉ đạo hỗ trợ cho công tác triển khai các chương trình KH&CN quốc gia và các tổ chức cá nhân có liên quan (đặc biệt là các doanh nghiệp) một cách thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới.
Nguồn: Cục Công tác phía Nam