Bước “nhảy vọt” về chiến lược của Việt Nam thông qua Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Ba 25, 2024 | 11:43 - Lượt xem: 1210

Một công thức chung cho tăng trưởng dựa vào năng suất là thể chế hóa việc nâng cao năng suất trong chính sách phát triển tổng thể và nới lỏng các ràng buộc về thể chế. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài nhưng mối quan hệ hợp tác giữa APO và Việt Nam là minh chứng cho những gì có thể đạt được khi tầm nhìn, hợp tác và cam kết hội tụ. Hành trình năng suất của Việt Nam là nguồn cảm hứng cho nhiều nước khác vì cho thấy bằng chứng hữu hình về vai trò trung tâm của năng suất được đưa vào chương trình kế hoạch quốc gia.

Con đường giúp Việt Nam hướng tới thịnh vượng

Kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam đã trải qua những thay đổi đáng kể, chuyển mình thành một nền kinh tế sôi động và hội nhập toàn cầu. Dưới sự chỉ đạo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), đất nước đã có những bước tiến lớn để đi sâu cải cách kinh tế, đưa tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ mức trung bình 6,1% trong giai đoạn 2012 – 2015 lên 7% trong giai đoạn 2016 – 2019. Trong những năm đầy thử thách của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh khả năng phục hồi bằng cách tích cực duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển mạnh mẽ sau khủng hoảng, với mức tăng trưởng GDP 8,02% vào năm 2022 và tốc độ tăng trưởng dự kiến là 6,3% vào năm 2023 và 6,5% vào năm 2024.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập. Tầm nhìn này, được công bố lần đầu tiên trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị và được tái khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1/2021), trở thành kim chỉ nam cho các kế hoạch phát triển của Chính phủ tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.

Tuy nhiên, hành trình của Việt Nam trên con đường hướng tới thịnh vượng vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Các nước đang phát triển thông qua cải cách kinh tế như tự do hóa thương mại, đón nhận xu hướng toàn cầu hóa, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực để có thể chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang nhóm thu nhập trung bình. Và sẽ thách thức hơn đối với một quốc gia muốn thoát khỏi “bẫy” thu nhập trung bình để chuyển từ nhóm thu nhập trung bình sang nhóm thu nhập cao.

Hợp tác chiến lược về Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia

Nhận thức được vai trò then chốt của tăng trưởng năng suất đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đến đổi mới sáng tạo. Tại Chỉ thị số 07/CT-TT ngày 4 tháng 2 năm 2020 về  giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để giúp Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia, Tổ chức năng suất Châu Á (APO) đã mở rộng hỗ trợ tư vấn chính sách thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển năng suất quốc gia (Specific National Program – SNP).

Lộ trình đến một quốc gia hùng mạnh hơn

Mục đích của Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia là hỗ trợ sự phát triển dài hạn cũng như các chương trình chính sách liên quan khác. Dự án SNP được thực hiện theo ba giai đoạn chính, bao gồm: (1) Đánh giá; (2) Xác định các điểm nghẽn và (3) Dự thảo các khuyến nghị chính sách và kế hoạch hành động.

APO đã thực hiện hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch chi tiết nâng cao năng suất nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế thông qua việc hợp tác với các nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế để cung cấp kiến thức chuyên môn, nhận thức và các phương pháp thực hành tốt nhất.

Năm 2021, Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 đã được thông qua.

Đổi mới cam kết duy trì năng suất

Sự liên quan và tính cần thiết của Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia đã nhận được sự tán thành và ủng hộ ở cấp cao. Điều này được minh chứng bằng việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt  và ký Quyết định số 36/QĐ-TT ngày 1 tháng 11 năm 2021 ban hành kèm theo Kế hoạch. Dấu mốc quan trọng đó không chỉ thể hiện sự ghi nhận tiềm năng của Kế hoạch mà còn thể hiện cam kết kiên định của Việt Nam trong việc nâng cao mức sống thông qua nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tiến sĩ Indra Pradana Singawinata, Tổng thư ký APO tại Hà Nội.

Tiếp sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp đón Tổng thư ký APO, Tiến sĩ Indra Pradana Singawinata và trao đổi về một số hành động tiếp theo. Một trong số đó là khuyến nghị nâng cao năng lực thể chế của Viện Năng suất Quốc gia Việt Nam (VNPI) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với tư cách là tổ chức năng suất hàng đầu trong nước và tạo điều kiện phối hợp với các tổ chức chủ chốt khác để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu năng suất đặt ra trong Kế hoạch tổng thể năng suất Quốc gia.

Năm 2022, APO đã tiếp tục hỗ trợ VNPI, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chi tiết về chiến lược, cơ cấu tổ chức, cơ sở hạ tầng, mô hình tài trợ, nhân sự, quản trị, lãnh đạo, nhân sự, dịch vụ và chương trình, hoạt động và hệ thống. Lộ trình này được gọi là Kế hoạch nâng cao năng lực của VNPI tập trung kết hợp việc so sánh tiêu chuẩn với các cơ quan năng suất quốc gia tiên tiến để đưa ra một kế hoạch rõ ràng về tiến độ có thể đạt được.

APO và VNPI đã hợp tác làm việc để đảm bảo rằng các khuyến nghị chính sách được tất cả các thành phần trong xã hội cùng sở hữu, chấp nhận và thúc đẩy thực hiện. Việc phổ biến và phối hợp tích cực với các bên liên quan đã được thực hiện để tạo điều kiện cho các sáng kiến về năng suất tiếp cận được trên mọi miền đất nước.

Chính phủ cũng đã công nhận tầm quan trọng của đo lường trong việc đánh giá sự thành công và động lực của phong trào năng suất. Do đó, năng suất được coi là một trong những chỉ số đánh giá hiệu suất công việc của quốc gia (KPIs).

Tiềm năng tương lai

Một công thức chung cho tăng trưởng dựa vào năng suất là thể chế hóa việc nâng cao năng suất trong chính sách phát triển tổng thể và nới lỏng các ràng buộc về thể chế. Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn dài nhưng mối quan hệ hợp tác giữa APO và Việt Nam là minh chứng cho những gì có thể đạt được khi tầm nhìn, hợp tác và cam kết hội tụ. Hành trình năng suất của Việt Nam là nguồn cảm hứng cho nhiều nước khác vì cho thấy bằng chứng hữu hình về vai trò trung tâm của năng suất được đưa vào chương trình kế hoạch quốc gia.

Đoàn thanh niên Tổng cục TCĐLCL dịch từ: Asian Productivity Organization, “The APO Footprint: Mapping Success One Step at a Time.”