Bộ trưởng Bộ KH&CN tặng thiết bị chuẩn đo lường y tế cho tỉnh Phú Thọ

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Tám 28, 2018 | 9:25 - Lượt xem: 1769

Chiều 22/8/2018, ông Chu Ngọc Anh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Phú Thọ về kết quả hoạt động KH&CN trên địa bàn giai đoạn 2015 – 2018 và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Bùi Minh Châu – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Hà Kế San – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh. 
Nhiều nhãn hiệu tập thể và sản phẩm đặc trưng ra đời từ nghiên cứu khoa học
Theo báo cáo, giai đoạn 2015 – 2018, mạng lưới các tổ chức KH&CN được tăng cường, bao gồm trên 120 tổ chức, trong đó có 9 tổ chức KH&CN của Trung ương, 30 trung tâm, cơ sở dịch vụ KH&CN, 2 trường đại học, 18 trường cao đẳng và trung cấp, 30 cơ sở đào tạo, dạy nghề, 36 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, lý, sinh học, xây dựng, giấy, thực phẩm, đồ uống, môi trường. 
Đặc biệt đã hình thành tương đối đồng bộ hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản. 
Trong 3 năm, 122 đề tài, dự án cấp Nhà nước và cấp tỉnh do tỉnh triển khai thực hiện đã tập trung vào giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn sản xuất và đời sống với một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình chuyển giao công nghệ sản xuất một số sản phẩm chè mới chất lượng cao gắn với trồng, thâm canh các giống chè mới theo quy mô sản xuất hàng hóa; công nghệ sấy gỗ tự động bằng hơi nước đã sản xuất được sản phẩm gỗ rừng trồng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, tăng giá trị mặt hàng lâm sản trên địa bàn tỉnh;… 
Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN từng bước tạo nên sự gắn kết giữa các doanh nghiệp với KH&CN, chẳng hạn, công nghệ và sản phẩm trà cốm gạo lứt từ chè xanh kết hợp với cốm gạo lứt được trao giải nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Thọ năm 2017 và được chuyển giao cho doanh nghiệp và thương mại hóa thành sản phẩm trà mang đặc trưng của tỉnh. Hay nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị phân loại nguyên liệu chè xanh hái máy, chế tạo thành công thiết bị phân loại nguyên liệu chè hái máy công suất 0,8-1 tấn/h, đã góp phần nâng cao chất lượng chè xanh, đa dạng hóa sản phẩm chè xanh chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu chè xanh Phú Thọ.
Cùng với đó, đã xây dựng, phát triển được nhiều nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân vùng sản xuất như chè Chùa Tà, mỳ gạo Hùng Lô… Ngoài ra, đã tạo lập, quản lý và phát triển được 01 chỉ dẫn địa lý Đoan Hùng cho sản phẩm bưởi quả huyện Đoan Hùng. Giá trị sản phẩm bưởi quả đã tăng gấp nhiều lần so với trước kia khi chưa có chỉ dẫn địa lý.
Song hành với tỉnh về chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã chia sẻ bức tranh chung của Bộ và ngành KH&CN cả nước. Qua đó cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ chế chính sách, doanh nghiệp được coi là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. KH&CN đã song hành, tham gia, phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực và đã đem lại những giá trị lớn, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Ông khẳng định, Bộ KH&CN sẽ song hành với các bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, đặc biệt trong 3 trụ cột chính là chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ. 
Lãnh đạo Bộ KH&CN trao tặng tỉnh Phú Thọ thiết bị chuẩn đo lường phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Theo Bộ trưởng, tỉnh Phú Thọ có vị trí địa lý thuận lợi trong kết nối với các địa phương trong vùng và Hà Nội, có nhiều lợi thế để phát triển KH&CN gắn với phát triển kinh tế – xã hội. Bộ trưởng cũng cho rằng, “việc hỗ trợ 45 dự án đầu tư đổi mới công nghệ là dấu hiệu rất tốt. Mạng lưới các tổ chức KH&CN của tỉnh hiện có trên 120 tổ chức từ trung ương đến địa phương, con số này không nhiều địa phương so sánh được”. 

Đáp lại những kiến nghị, đề xuất mà tỉnh Phú Thọ nêu ra nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động KH&CN tại tỉnh trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã giải đáp và cung cấp nhiều thông tin liên quan đến việc ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật chuyển giao công nghệ và Thông tư hướng dẫn thực hiện; hỗ trợ chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thẩm định, thẩm tra công nghệ, nghiệp vụ về thẩm định, thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về công nghệ và sở hữu trí tuệ; hỗ trợ triển khai, tư vấn, hướng dẫn thực hiện hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông, sản thực phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh;…

(Nguồn khoahocphattrien.vn)