Bộ KH&CN luôn quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ nghiên cứu khoa học
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Chín 20, 2018 | 15:31 - Lượt xem: 1486
Hội thảo do Chi hội Nữ trí thức Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ KH&CN và Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức. Đây là diễn đàn bổ ích để chia sẻ, lan tỏa tinh thần đam mê vượt lên khó khăn của phụ nữ trong hoạt động KH&CN, đồng thời giúp cho những người hoạch định chính sách có thêm thông tin để nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ trong hoạt động KH&CN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: “Bộ KH&CN luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong hoạt động KH&CN”
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, thực tế cho thấy, những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng, ngày càng có nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Với những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học nữ đã đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Thứ trưởng đánh giá cao vai trò và sự đóng góp cũng như những cống hiến và tinh thần làm việc miệt mài của Chi hội Nữ trí thức của Bộ KH&CN nói riêng và Hội Nữ trí thức Việt Nam nói chung với nhiều hoạt động thiết thực và rất có ý nghĩa. Chi hội Nữ trí thức của Bộ đã tập hợp được những tinh hoa là các nhà khoa học nữ, nhà quản lý nữ có những đóng góp không nhỏ đối với sự phát triển của Bộ KH&CN nói riêng và ngành KH&CN chung. Rất nhiều sản phẩm của các nhà khoa học nữ đã và đang đi vào đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, đem lại sức khỏe cho người dân.
Tham dự Hội thảo, GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam hoan nghênh và biểu dương Chi hội Nữ trí thức Bộ KH&CN đã có sáng kiến tổ chức buổi hội thảo với chủ đề mà Hội Nữ trí thức Việt Nam quan tâm và nội dung các báo đều là những vấn đề thiết thực. Đặc biệt, theo GS. TSKH. Phạm Thị Trân Châu, chủ đề của Hội thảo ngày hôm nay liên quan đến một trong ba chủ đề của 3 phiên hội thảo của Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á Thái Bình Dương, dự kiến sẽ tổ chức ngày 18 – 19/10 năm nay, với chủ đề ‘Giới và bình đẳng giới trong KH&CN’.
GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam hoan nghênh và biểu dương Chi Hội Nữ trí thức Bộ KH&CN đã có sáng kiến tổ chức buổi hội thảo.
Từ khi thành lập đến nay, Chi Hội Nữ trí thức Bộ KH&CN đã có những hoạt động thiết thực, tập hợp, đoàn kết những nữ trí thức của Bộ KH&CN nhằm phát huy tài năng, trí tuệ, tạo điều kiện để nữ trí thức đóng góp tích cực vào hoạt động KH&CN, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Kết quả hoạt động của Chi Hội Nữ trí thức Bộ KH&CN đã đóng góp vào hoạt động chung của Bộ KH&CN và Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Chia sẻ về thực trạng đội ngũ khoa học nữ ở Việt Nam, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới nhận định, ở Việt Nam, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học còn gặp nhiều khó khăn do rất nhiều yếu tố như rào cản về ngôn ngữ, năng lực hội nhập và khả năng tư vấn phản biện chính sách mới… Bên cạnh đó, so với nam giới, phụ nữ thiếu thời gian tham gia nghiên cứu khoa học và ít được động viên, khuyến khích theo đuổi một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học, theo PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, sử dụng lao động nữ hợp lý, chính sách xã hội phải phản ánh được lợi ích và nguyện vọng của phụ nữ.
Tuy nhiên, để làm được những điều này, bản thân người phụ nữ cũng phải nỗ lực hơn, có niềm đam mê và nhiều nghị lực. Họ cũng cần được gia đình, đồng nghiệp và xã hội tạo điều kiện để tham gia nghiên cứu khoa học, giải quyết tốt mối quan hệ nội bộ gia đình, bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, cùng với việc ghi nhận thành tích của các nhà khoa học nữ, xã hội cũng cần chia sẻ với họ những khó khăn khi chọn con đường này, bởi bên cạnh những khó khăn mà nam giới cũng gặp phải trong công tác nghiên cứu khoa học, phụ nữ còn phải đương đầu với những rào cản từ chính hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Với phương châm “Hãy khơi dậy tiềm năng sáng tạo của phụ nữ để họ chung tay thay đổi thế giới này”, TS. Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã chia sẻ với Hội thảo chuyên đề về nội dung “Nữ khoa học với Sở hữu trí tuệ”. Là người luôn quan tâm đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và những giải pháp để phát huy tài sản trí tuệ, TS. Lâm luôn mong muốn đưa nội dung của sở hữu trí tuệ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, để việc bảo vệ và tôn trọng sở hữu trí tuệ trở thành một văn hóa, một thói quen của mỗi con người Việt Nam.
Hội thảo cũng được nghe chia sẻ từ một số tấm gương điển hình của nữ giới trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như trong công tác quản lý KH&CN; Họ là những phụ nữ tiêu biểu cho sự bền bỉ, vượt khó để mang lại sự sáng tạo của mình cống hiến, đóng góp cho khoa học, cho cộng đồng.
Theo các chị, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ trong thời gian qua luôn được xã hội nhìn nhận và đánh giá tốt, điều này khẳng định trí tuệ của phụ nữ không hề thua kém nam giới và chắc chắn, phụ nữ Việt Nam cũng sẽ không thua kém phụ nữ các nước khác. Tuy nhiên, hiện nay, đa số nhà khoa học nữ mới dừng ở việc nghiên cứu và gặp nhiều khó khăn khi đưa sảm phẩm ra thị trường để thương mại hóa thành công. Để làm được điều này, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng cho rằng, bên cạnh hỗ trợ về cơ chế chính sách từ Nhà nước, các nhà khoa học nữ cần chủ động đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, để các kết quả nghiên cứu KH&CN đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội./.
Toàn cảnh Hội thảo “Phụ nữ trong hoạt động KH&CN”
(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN)