Bộ KH&CN trong top đầu hoàn thành triển khai thủ tục hành chính
Thứ Tư, Tháng Bảy 31, 2019 | 17:39
Bộ KH&CN đã thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia 06 thủ tục hành chính theo đúng tiến độ và kế hoạch chung của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến 10/7/2019, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) đã kết nối 174 thủ tục hành chính của 13 Bộ ngành, xử lý trên 2,3 triệu hồ sơ của hơn 30,9 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, tính từ đầu năm đến hết ngày 10/7/2019, số lượng hồ sơ được xử lý qua NSW là trên 500 nghìn hồ sơ với sự tham gia của hơn 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Tổng cục Hải quan cho biết đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, hoàn thành công tác xây dựng hệ thống và chuẩn bị triển khai thí điểm đối với 15 thủ tục hành chính. Trong đó, nhiều thủ tục dự kiến sẽ được thí điểm triển khai ngay trong tháng 7/2019 như: thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh, thủ tục cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in.
Về cơ chế một cửa ASEAN (ASW), với việc gia nhập của Burei (4/2019) và Campuchia (15/7), Việt Nam đã chính thức kết nối trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) với 6 quốc gia gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Campuchia.
Bộ KH&CN thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia đúng tiến độ và kế hoạch của Chính phủ. Ảnh báo điện tử Dangcongsan
Tính đến nay, Việt Nam đã nhận 88 nghìn C/O từ 6 nước trên và gửi sang các nước 155 nghìn C/O. Trong đó, tổng số C/O gửi sang Indonesia là 38 nghìn và nhận về 64 nghìn; Malayxia 39 nghìn C/O gửi đi và nhận về 23 nghìn C/O; Singapore 13 nghìn C/O gửi đi và 654 C/O nhận về; Thái Lan 65 nghìn C/O gửi đi…
Đối với việc triển khai kết nối với các đối tác ngoài Asean, hiện nay Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành để kiểm tra kết nối và thí điểm trao đổi thông tin tờ khai hải quan với Liên minh Kinh tế Á Âu; thống nhất về yêu cầu kỹ thuật hướng tới trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ với Liên minh Kinh tế Á – Âu và phối hợp thử nghiệm công nghệ Blockchain trong tiếp nhận thông tin chứng nhận xuất xứ từ Hải quan Hàn Quốc…
Theo lộ trình thực hiện ASW đến năm 2020 Việt Nam sẽ tiến hành mở rộng việc trao đổi một số chứng từ điện tử trên cơ sở các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.
Cũng theo công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, về kết quả thực hiện nhiệm vụ về công tác kiểm tra chuyên ngành của các Bộ ngành theo Quyết định 2026/QĐ-TTg đặc biệt là trong rà soát, xây dựng văn bản pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, theo rà soát của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/6/2019, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản (chiếm 97%), trong đó Bộ KH&CN là một trong 10 Bộ đã hoàn thành.
“Với việc 96% hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan nay được chuyển sang hậu kiểm, cải cách này mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp tiết kiệm, cắt giảm được khoảng 600 tỷ đồng/năm”, TS. Nguyễn Hoàng Linh đánh giá.
Bộ KH&CN cũng là Bộ đã hoàn thành triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ KH&CN để kết nối với hệ thống thông tin của Bộ Tài chính trên cơ chế một cửa quốc gia” và đưa vào thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia 06 thủ tục hành chính theo đúng tiến độ và kế hoạch chung của Chính phủ. Như vậy, Bộ KH&CN đã hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính theo danh mục tại Quyết định 1254/QĐ-TTg.
Trước đó, Bộ KH&CN cũng đã được Chính phủ đánh giá là Bộ có nhiều đột phá trong cải cách, đặc biệt là cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo ước tính của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chỉ tính riêng đối với nhóm hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN quản lý, với việc giảm thời gian thông quan nên tiết kiệm được lưu kho lưu bãi, chi phí đi lại của khoảng 60.000 lô hàng nhập khẩu đã tiết kiệm cho doanh nghiệp được khoảng hơn 720 tỷ đồng/năm.
TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, Tổng cục đã triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã đi đầu trong quá trình triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” thông qua việc ban hành Thông tư 07 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 27) quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa, với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm.
“Đã cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra là xăng dầu và khí mỏ hóa lỏng”, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho biết.
TS. Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, sau khi triển khai áp dụng, Thông tư 07 đã giúp giảm khoảng 96% lô hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu xuống còn 1 ngày.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã công bố sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, trong đó quy định 8 nhóm sản phẩm, mã HS, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, văn bản quy phạm pháp luật quản lý, biện pháp quản lý đối với hàng nhập khẩu và tên cơ quan kiểm tra.
Đề cập đến cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Linh cho biết thêm, theo Luật đầu tư 2016 Bộ KH&CN quản lý 8 ngành nghề với 121 điều kiện đầu tư kinh doanh. Đến nay Bộ KH&CN đã xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa, bãi bỏ 63/121 điều kiện, cụ thể: Cắt giảm, đơn giản hóa 15/36 điều kiện tại Luật Sở hữu trí tuệ, Luật năng lượng nguyên tử; Cắt giảm, đơn giản hóa 48/85 điều kiện tại 4 Nghị định liên quan đến sở hữu trí tuệ, kinh doanh mũ bảo hiểm, hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đi, chuẩn đo lường; điều kiện về kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
Phong Lâm