Bộ KH&CN đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Hai 28, 2022 | 10:07 - Lượt xem: 527

Năm 2022, Bộ KH&CN đã đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thiết lập và vận hành nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ KH&CN, trong năm 2021 – 2022, Bộ đã ban hành các Kế hoạch để tổ chức thực hiện triển khai (Kế hoạch cải cách hành chính, Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cải cách hành chính; Kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật…).

Bộ KH&CN luôn chú trọng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, công khai, minh bạch, đảm bảo tiến độ. Bộ đã đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, thiết lập và vận hành nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đến tháng 12/2022, Bộ KH&CN đã bãi bỏ 13 thủ tục hành chính (03 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 10 thủ tục hành chính cấp trung ương); cắt giảm, đơn giản hóa 33 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh).

Việc đánh giá tác động thủ tục hành chính, tham gia ý kiến, thẩm định quy định thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, công bố, công khai thủ tục hành chính; việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đúng tiến độ, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Năm 2021 – 2022, Bộ KH&CN đã tiếp nhận, trả lời, giải quyết 52 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ.

Về tổ chức bộ máy, đã triển khai quyết liệt bảo đảm tinh gọn, giảm nhiều đầu mối trực thuộc, phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý và phục vụ quản lý. Bộ đã thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật góp phần đổi mới cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN.

Công tác phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong hoạt động của Bộ và phục vụ người dân, doanh nghiệp được Bộ KH&CN quan tâm, tham mưu thực hiện. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành công việc của Bộ đã cập nhật đầy đủ, kịp thời ý kiến chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ/Lãnh đạo các đơn vị trên hệ thống; hệ thống hỗ trợ việc chỉ đạo, theo dõi tiến độ thực hiện, nhắc nhở thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Theo Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 40 tiêu chí và 99 tiêu chí thành phần.

Năm 2021, điểm cải cách hành chính của Bộ đạt 78,72/100 điểm. Ngoài các tiêu chí đạt điểm tối đa như thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ; công tác tuyên truyền cải cách hành chính… còn một số các tiêu chí, tiêu chí thành phần bị trừ điểm do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của Bộ KH&CN cũng còn một số hạn chế do các nguyên nhân như đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính là kiêm nhiệm; sự quan tâm đầu tư về nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác cải cách hành chính chưa nhiều…

Theo Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số Cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 – 2030”, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 97 tiêu chí thành phần.

Theo đó, trong năm 2023, Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo hướng đồng bộ, minh bạch; đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép công tác tuyên truyền cải cách hành chính với công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KH&CN.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; công bố, công khai các thủ tục hành chính mới ban hành hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bị bãi bỏ, hủy bỏ; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4;…

Cùng với đó, hướng dẫn tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định; hỗ trợ các cơ quan hành chính trong việc thực hiện cơ chế tự chủ về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính; đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý ngân sách nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN; quản lý, vận hành Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Hệ thống thông tin tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, tích hợp với các hệ thống của Chính phủ; triển khai Kế hoạch phát triển Chính phủ số, Chính phủ điện tử; hoàn thành việc chuyển đổi áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 sang Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015; hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ;…

Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính tại Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đề nghị tái lập lại tổ công tác đôn đốc công việc của Bộ; Thủ trưởng các đơn vị cần tiếp tục quan tâm đến công tác cải cách hành chính và báo cáo công tác cải cách hành chính; cần sớm xây dựng và xuất bản sổ tay các quy định của Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin tiếp tục đề xuất các phương án ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai rộng rãi hơn các dự án hiện có; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng ISO trong Bộ…

Theo VietQ