Bộ KH&CN dẫn đầu về số lượng xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam

Thứ Ba, Tháng Mười Hai 19, 2017 | 6:57

Khoảng 2.000 TCVN được các bộ, ngành xây dựng trong 2 năm 2016 – 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vẫn là đơn vị dẫn đầu về số lượng tiêu chuẩn được xây dựng.

Đột phá trong xây dựng tiêu chuẩn

Theo báo cáo về tình tình thực hiện giai đoạn II Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải cho biết, trong 2 năm 2016, 2017 các bộ, ngành đã xây dựng khoảng 2000 TCVN.

Trong đó, Bộ KH&CN xây dựng 1.083 TCVN; Bộ Công thương xây dựng 15 TCVN; Bộ NN&PTNT xây dựng 294; Bộ Y tế xây dựng 228; Bộ Xây dựng là 283 và Bộ TTTT có 76 TCVN được xây dựng.

Theo đánh giá của các chuyên gia về năng suất chất lượng, việc xây dựng và ban hành TCVN trong những năm qua đã giúp cho hệ thống TCVN ngày càng được hoàn thiện mà cụ thể là tăng cả về số lượng, chất lượng và đảm bảo tính đồng bộ.

Cùng với TCVN, hệ thống quy chuẩn quốc gia với 680 QCVN trở thành công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, hỗ trợ quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.

“Bên cạnh việc xây dựng mới các TCVN, QCVN, hệ thống TCVN, QCVN thường xuyên, định kỳ được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập”, ông Nguyễn Nam Hải thông tin.

Ghi nhận từ thưc tế, hiện nay các QCVN quản lý sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của các Bộ quản lý chuyên ngành đã có những thay đổi rõ nét theo hướng thông thoáng, nghĩa là chuyển phần lớn các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 sang hậu kiểm khi thông quan nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, loại bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết.

Bộ KHCN dẫn đầu về sô lượng xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam - ảnh 2

 Quang cảnh hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia về NSCL

Xây dựng TCVN đáp ứng tình hình mới

Thực hiện các chỉ thị, kết luận của BCH Trung ương cũng như chỉ đạo của Chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã chủ động, phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng, soát xét các TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể: thực hiện soát xét TCVN 11041:2015; xây dựng mới các TCVN về trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (tôm hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ, sữa hữu cơ…) và TCVN về chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Các TCVN này sẽ được công bố vào năm 2018.

Bộ KH&CN cũng đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, xác định lộ trình để ưu tiên tập trung xây dựng một số TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược cùng với đó, xây dựng, phát triển hệ thống TCVN, QCVN, hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng TCVN, QCVN cho các tổ chức, doanh nghiệp luôn được quan tâm, đẩy mạnh.

Năm 2016 – 2017 đã phổ biến, hướng dẫn áp dụng 04 QCVN và 213 TCVN thuộc các lĩnh vực, đối tượng sản phẩm hàng hóa trọng điểm, chủ lực cho hơn 1.100 tổ chức, doanh nghiệp thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo và cho đông đảo hơn các tổ chức, doanh nghiệp khác thông qua biên soạn, phổ biến tài liệu trên mạng internet.

Để đảm bảo tính cân đối của hệ thống tiêu chuẩn, hoạt động hướng dẫn xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cũng được tiếp tục triển khai nhân rộng thông qua cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia và các chi cục TCĐLCL địa phương với các hình thức: đào tạo nghiệp vụ TCCS, hướng dẫn xây dựng, áp dụng TCCS.

Năm 2016 – 2017 đã tổ chức hướng dẫn xây dựng và áp dụng TCCS cho khoảng 1000 lượt doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, luyện kim, điện – điện tử, sản phẩm nhựa, sản phẩm giấy, nông nghiệp thực phẩm…

Chất lượng của hoạt động xây dựng TCVN ngày càng được nâng lên thông qua đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho các thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các Bộ, ngành, doanh nghiệp.

Nhiệm vụ trọng tâm 2018 – 2020:

Tiếp tục phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng. Tăng cường phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Đến năm 2020, hệ thống TCVN có khoảng 12.000 TCVN, trong đó 60% hài hoà với TCQT, TCKV. Bên cạnh việc tập trung xây dựng TCVN cho các nhóm SPHH chủ lực; cần chú trọng phát triển một số nhóm tiêu chuẩn trong một số lĩnh vực quan trọng:

1- Nhóm tiêu chuẩn phục vụ Đô thị thông minh, sản xuất thông minh
2- Nhóm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm;
3- Nhóm tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp công nghệ cao;
4- Nhóm tiêu chuẩn phục vụ mục tiêu tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng; 
5- Nhóm tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; 
6- Nhóm tiêu chuẩn về ô tô, phụ tùng; 
7- Nhóm tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc …

(Nguồn:vietq)