Bình Dương: Phát triển khoa học, công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Hai 7, 2022 | 14:49 - Lượt xem: 389

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có tỷ lệ phát triển công nghệ cao, đây là một trong những lợi thế cho việc phát triển KH&CN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế của nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát triển khoa học, công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. 

Với xu hướng toàn cầu hóa và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành chìa khóa động lực thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Qua đó, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế Việt nam so với các nước trong khu vực.

Nhận định được tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đảng và Nhà nước ta đã coi phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược quan trọng nhất. Trong đó, KH&CN và đổi mới sáng tạo trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng được đề cập một cách hệ thống, đồng bộ và xuyên suốt.

Qua đó cho thấy, KH&CN và đổi mới sáng tạo được khẳng định là xu hướng phát triển chủ yếu nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030 nước ta sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với thu nhập trung bình cao và sẽ trở thành nước phát triển với thu nhập cao trong giai đoạn tới.

 Tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. (ảnh minh họa)

Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, có tỷ lệ phát triển công nghệ cao, đây là một trong những lợi thế cho việc phát triển KH&CN nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát triển khoa học, công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Trong giai đoạn 2016-2020, Tỉnh đã rất nỗ lực thúc đẩy phát triển các hoạt động KH&CN nhằm tăng cường phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Từ những thành tựu đạt được trong giai đoạn này, Tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện kế hoạch Chiến lược giai đoạn kế tiếp cho giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng các chiến lược mang tính đột phá để phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo góp phần và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngày 25/3/2022, Tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2040.

Mục tiêu Chương trình nhằm triển khai và vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách mới góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao tỷ lệ đóng góp KH&CN vào tăng trưởng kinh tế thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) khoảng 45% vào năm 2025 và năm 2030 là trên 50%, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trên 20%/năm, phấn đấu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 7% vào năm 2025 và năm 2030 là trên 7,5%. Tiếp tục duy trì giữ vững danh hiệu Top 21 của tổ chức uy tín Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), đưa Bình Dương vào Top 7 tổ chức này.

Gia tăng số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học và công nghệ và số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo so với năm 2020. Đến năm 2030, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40%. Đến năm 2040, Bình Dương thuộc nhóm các đô thị thông minh, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và đáng sống trên cả nước. Và là tỉnh có tốc độ tăng TFP thuộc nhóm đứng đầu cả nước, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện tại trong tất cả lĩnh vực kinh tế xã hội.

Trong Chương trình này, tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ KH&CN, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh dựa trên nguyên tắc hiệu quả, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Hình thành các chương trình KH&CN phát triển công nghệ mới trong một số lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh và có tiềm năng; các ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất, mô hình phát triển kinh tế trong bối mới.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo với mục tiêu lấy doanh nghiệp là hạt nhân phát triển. Rà soát, tháo gỡ các rào cản, hạn chế nhằm tăng số lượng và quy mô quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về công nghệ số, chuyển đổi số để tạo ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới, nền tảng số, ưu tiên nội dung số trong các ngành…

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động KH&CN, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giúp tổ chức, doanh nghiệp các nhóm khởi nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm, sáng kiến, công nghệ mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về sở hữu trí tuệ… Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đổi mới hoạt động đo lường nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực.

Tiếp tục nghiên cứu đầu tư, xây dựng và khai thác hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và vùng đổi mới sáng tạo. tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin, tuyên truyền thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Theo đó cho thấy, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nguồn lực quan trọng, là yếu tố then chốt quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành đã được Đảng, Nhà nước giao với số lượng ngày càng mở rộng, chất lượng ngày càng nâng cao, bảo đảm khả năng hoạt động trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng thì việc xác định đầy đủ, hợp lý số lượng vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cũng sẽ làm căn cứ để tuyển dụng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm, dài hạn, quy hoạch, bổ nhiệm… góp phần phát huy vai trò từng vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức của Sở trong việc tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.