Bình Dương: Doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất nhờ công cụ cải tiến
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Bảy 12, 2019 | 9:56 - Lượt xem: 975
Nhờ áp dụng công cụ cải tiến, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng.
Thời gian qua, chương trình cải tiến năng suất, chất lượng (NSCL) theo các công cụ NSCL như 5S (Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), Kaizen (cải tiến liên tục)… được nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương áp dụng và đã đem lại kết quả khả quan.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 500 DN, cơ sở sản xuất gốm sứ. Việc tìm kiếm giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất luôn được các DN này quan tâm.
Ông Trần Chánh Tín, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Công ty TNHH Cường Phát cho biết công ty đã từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất và thay đổi một số trang thiết bị hiện đại.
Công ty Cường Phát áp dụng các công cụ năng suất, chất lượng 5S (sàng lọc-sắp xếp – sạch sẽ – săn sóc – sẵn sàng), kaizen (cải tiến liên tục)…, kết quả đã tiết kiệm chi phí cho công ty hơn 2,5 tỷ đồng. “Qua việc áp dụng kaizen, công ty đã cải tiến lò nung, triển khai thu hồi đất từ bùn thải. Nhờ đó, hàng năm công ty tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng chi phí nguyên liệu nung, tiết kiệm trung bình gần 26 triệu đồng/tháng cho chi phí nguyên liệu sản xuất”, ông Tín nói.
Đối với Công ty TNHH Nhật Tường (TX.Thuận An), áp dụng các công cụ nâng cao NSCL đã giúp công ty giải quyết được việc giảm số lượng phế phẩm trong quá trình sản xuất, giảm đi lại cho công nhân bằng việc dùng palet bánh xe để di chuyển nguyên liệu, thành phẩm và thay thế một số công đoạn làm bằng tay sang làm bằng máy. Từ đó giúp công ty giảm khá nhiều chi phí sản xuất.
Theo ông Lê Trung Thu, Công ty Cổ phần Sản xuất – Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Hà Nội (Haprosimex JSC) – Chi nhánh Bình Dương, tại nhà máy sản xuất của công ty ở Cụm công nghiệp Uyên Hưng (TX.Tân Uyên) được áp dụng công cụ 5S và Kaizen. Từ đó, công ty đã hạn chế được việc sản phẩm bị lỗi, loại bỏ được tình trạng hạt điều bể, vụn… giúp giảm chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt tỷ lệ đồng đều cao hơn. Sử dụng các công cụ này công ty tiết kiệm trung bình hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Bình Phước, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN), đánh giá việc cải tiến NSCL của các DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là các DN vừa và nhỏ, đã phát huy hiệu quả. Tại các DN, chi phí sản xuất giảm thiểu rõ rệt, tiết kiệm được nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, DN trên thị trường.