Bảo hộ bản quyền tiêu chuẩn trong bối cảnh CMCN 4.0: Thách thức và giải pháp
Thứ Hai, Tháng Mười Một 9, 2020 | 13:58
Theo thống kê, hiện có hàng chục trang web chuyên cung cấp, bán trái phép các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế chưa được sự cho phép của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhu cầu khai thác, sử dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài tại Việt Nam càng ngày càng tăng cao.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, với sự bùng nổ toàn cầu của công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, internet, việc tiếp cận tiêu chuẩn trên các website hiện nay rất thuận lợi. Các tổ chức, cá nhân quan tâm đến tiêu chuẩn chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể tiếp cận thông tin khá đầy đủ về hệ thống tiêu chuẩn mà mình quan tâm. Tuy nhiên, thực trạng này cũng dẫn đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền tiêu chuẩn nói riêng xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam trong thời gian qua.
Theo thống kê không chính thức, hiện có hàng chục trang web chuyên cung cấp, bán trái phép các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế chưa được sự cho phép của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo thông báo của Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế (IEC) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), gần đây IEC, ISO đã phát hiện và xác định một số trang web tại Việt Nam bán tiêu chuẩn quốc tế IEC, ISO cũng như khai thác trái phép biểu tượng logo của các tổ chức này (chưa có sự thỏa thuận cho phép, cấp quyền khai thác của ISO, IEC).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm bản quyền tiêu chuẩn nói trên. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị cho phép truy cập Internet giúp việc truyền tải và sao chép, phát tán tiêu chuẩn trở nên dễ dàng. Tiếp đến là thói quen dùng “chùa” và ý thức tôn trọng luật sở hữu trí tuệ của đa số người dân chưa cao; công tác thanh kiểm tra chưa gắt gao, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe với đối tượng vi phạm.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực rất nhiều trong việc thiết lập khung pháp lý theo thông lệ quốc tế cũng như hoàn thiện luật pháp trong nước để bảo vệ bản quyền trong môi trường kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng rõ ràng là đảm bảo thực thi hiệu quả các quyền này trong một môi trường kỹ thuật số không phải là vấn đề đơn giản. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng với sự đa dạng của các thiết bị có khả năng kết nối Internet đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan thanh tra trong quá trình truy vết hành vi vi phạm, thu thập bằng chứng để xử lý. Qua điều tra, có một số trang web đen bán tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài (ISO, IEC, ASTM…) tại Việt Nam nhưng tên miền, máy chủ lại đặt ở nước ngoài.
Khung pháp lý để bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn
Theo luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam, bảo vệ bản quyền và các quyền liên quan đến bản quyền (sau đây gọi chung là bản quyền) nói chung, quyền sở hữu trí tuệ nói riêng được điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản pháp luật, bao gồm: Hiệp định WTO/TRIPS về sở hữu trí tuệ, Công ước Genevơ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2019), Luật Xuất bản 2004 (sửa đổi 2008), Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006.
Mặc dù pháp luật Việt Nam về sở hữu trí tuệ đánh giá một cách khách quan đã thiết lập được khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, phù hợp thông lệ quốc tế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và vấn đề bản quyền nói riêng, tuy nhiên trong lĩnh vực bảo hộ bản quyền tiêu chuẩn, công tác nội luật hóa các điều ước, hiệp định, cam kết quốc tế chưa cao, chưa có điều luật cụ thể quy định, điều chỉnh vấn đề này. Điều này đã tạo ra những hạn chế, khó khăn trong công tác xử lý hành vi vi phạm về bản quyền tiêu chuẩn.
Về quy định pháp luật điều chỉnh về bản quyền tiêu chuẩn, đến nay chỉ có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Điều 21) quy định Bộ Khoa học và Công nghệ giữ quyền xuất bản và phát hành tiêu chuẩn quốc gia. Luật cũng gián tiếp thừa nhận vấn đề bảo hộ bản quyền tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tại Việt Nam khi quy định việc xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực mà Việt Nam không là thành viên và tiêu chuẩn nước ngoài phải được thực hiện theo thỏa thuận với tổ chức ban hành tiêu chuẩn liên quan đó.
Tuy nhiên vấn đề bảo hộ TCVN chỉ dừng lại ở mức quy định, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ giữ quyền xuất bản, phát hành TCVN. Việc xác định chủ thể (cơ quan, tổ chức, cá nhân giữ bản quyền tiêu chuẩn) hiện chưa được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật, mà chỉ có thể diễn giải và hiểu theo hướng tiêu chuẩn kỹ thuật là kết quả của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, do vậy nó được xếp là một đối tượng của bảo hộ sở hữu trí tuệ và được bảo vệ theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, xuất phát từ đặc thù của Việt Nam là các TCVN được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước là chủ yếu. Do vậy, chủ sở hữu tiêu chuẩn quốc gia ở đây là nhà nước và nhà nước giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối quản lý, xuất bản, phát hành TCVN, kiểm tra xử lý hành vi phạm bản quyền tiêu chuẩn nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.
Giải pháp
Mặc dù Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm bản quyền tiêu chuẩn, nhưng tình hình xâm phạm bản quyền vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Để giải quyết vấn nạn này cần bắt đầu từ hoàn thiện khung pháp lý, khẩn trương tiến hành rà soát, sửa đổi hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, theo đó bổ sung các quy định bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn nói chung, trong đó có điều khoản pháp luật cụ thể chống vi phạm bản quyền trực tuyến, bảo vệ tính toàn vẹn của các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo kế hoạch, hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang tổ chức xây dựng một Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ về bản quyền tiêu chuẩn, đây sẽ là căn cứ pháp lý cần thiết để điều chỉnh, quản lý hoạt động xuất bản, phát hành, khai thác tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng (Bộ KHCN, Bộ TTTT, Bộ Công an, các bộ ngành liên quan khác, địa phương…) trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm thật nghiêm, đủ tính giáo dục và răn đe; nâng cao năng lực, cơ sở vật chất cơ quan quản lý công nghệ thông tin để có đủ năng lực phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm các trang web đen cung cấp, bán tiêu chuẩn bất hợp pháp.
Ngoài các giải pháp pháp lý và công nghệ, phải tiếp tục nâng cao năng lực của cơ quan chức năng để thực hiện và tuyên truyền rộng rãi cho các tổ chức, người tiêu dùng các quy định về bảo hộ bản quyền tiêu chuẩn, mức xử phạt hành vi vi phạm để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Vụ Tiêu chuẩn