Bài toán nâng tầm thương hiệu tại PSMART
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Sáu 16, 2020 | 9:51 - Lượt xem: 3082
Không chỉ giúp hạn chế rủi ro, ISO 31000:2018 nâng tầm thương hiệu cho Công ty Cổ phần Quản lý Năng lượng Thông minh (PSMART). Từ khi áp dụng ISO 31000:2018 các sản phẩm của PSMART đã nâng cao chất lượng, được khách hàng tin tưởng.
PSMART là đơn vị chuyên sản xuất và lắp ráp các thiết bị đo đếm từ xa với nhiều tính năng ưu việt. Sản phẩm chính hiện nay là công tơ điện xoay chiều dạng điện tử loại 1 pha (SF80C-20, SF80C-30, SF80P-20, SF80C-21) và loại 3 pha (TF100P-20, TF100P-30, TF100m-30, TF06m-30) theo tiêu chuẩn TCVN 7589-21:2007 và IEC: 62053-21:2003.
Bà Nguyễn Băng Tâm – Giám đốc công ty cho biết, hệ thống quản lý rủi ro về an toàn thông tin cho hoạt động sản xuất và cung ứng công tơ điện tử theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 được áp dụng tại công ty đã giúp PSMART ngày một phát triển, nâng cao vị thế.
“Nhờ thành công bước đầu mà trong thời gian tới, công ty chúng tôi tiếp tục duy trì áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000:2018 để không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả cho quá trình áp dụng và nhân rộng cho các lĩnh vực kiểm soát rủi ro khác trong toàn công ty”, bà Tâm chia sẻ.
Từ khi xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo ISO 31000:2018 trong lĩnh vực an toàn thông tin tại PSMART đã mang lại hiệu quả cao, 100% rủi ro liên quan đến quản lý chất lượng công ty xác định đầy đủ, có biện pháp kiểm soát kịp thời. Không ghi nhận trường hợp nào mất an toàn thông tin, luôn nhận được đánh giá cao từ khách hàng.
“Trong quá trình áp dụng ISO 31000:2018, dòng chảy công việc tại công ty được diễn ra suôn sẻ, đảm bảo kiểm soát tốt các thông tin, giảm 12% thời gian làm việc của mỗi cán bộ, công nhân viên. Như vậy, ISO 31000:2018 giúp năng suất lao động tốt hơn và chất lượng sản phẩm tăng lên một cách rõ rệt”, bà Tâm nhấn mạnh.
Giám đốc PSMART nhấn mạnh, có được kết quả này cũng nhờ áp dụng ISO 31000:2018 theo chương trình Năng suất chất lượng quốc gia được các chuyên gia năng suất của Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tư vấn. |
Tuy nhiên theo bà Tâm, hiện tại công ty vẫn còn một vài điểm hạn chế và sẽ khắc phục trong tương lai gần. Chẳng hạn, cơ sở vật chất còn thiếu, tiềm lực tài chính còn khó khăn nên việc đầu tư cho các công đoạn cần có lộ trình lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực của ban lãnh đạo cũng như người lao động. Hoạt động sản xuất liên tục nên việc tập trung cho quá trình đào tạo, hướng dẫn cũng gặp một số khó khăn nhất định. Người lao động còn làm việc theo thói quen, chưa có ý thức cao trong việc ghi chép, cập nhật hồ sơ.
Bà Tâm kì vọng, sắp tới ISO 31000:2018 được đẩy mạnh, người lao động chuyên nghiệp hơn thì con số 12% kể trên sẽ tiếp tục tăng.
Nam Dương