Bắc Giang: Đưa doanh nghiệp công nghệ số từng bước làm chủ công nghệ
Thứ Bảy, Tháng Hai 26, 2022 | 12:36
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 547/KH-UBND Phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Kế hoạch nhằm tuyên truyền phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện các nội dung phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số dưới nhiều hình thức, trên phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân về vai trò quan trọng của doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số trong việc phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số và thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Các doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Bắc Giang từng bước ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật…) tạo ra các sản phẩm “Make in Viet Nam”; góp phần cho nền kinh tế tỉnh Bắc Giang bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo đó, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số có năng lực cạnh tranh cao để chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số, đưa sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam” để giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang.
Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 800 doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có tối thiểu 1500 doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số để phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, ứng dụng thành tựu công nghệ số trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang.
Trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số; Phát triển hạ tầng số và các dịch vụ số của tỉnh; Phát triển sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam”; Phát triển nhân lực công nghệ số; Phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp số.
Linh Nhi