Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng TưTháng Tư 12, 2021 | 9:17 - Lượt xem: 1297

Việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước một cách có hiệu lực, hiệu quả là một trong những biện pháp thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ, từ đó giúp tìm ra biện pháp để cải cách thủ tục hành chính.

Báo cáo sơ kết tình hình triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2015-2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, dưới sự chỉ đạo và quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan đã tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg (trước đây là Quyết định 144/2006/QĐ-TTg, Quyết định 118/2009/QĐ-TTg) của Thủ tướng Chính phủ một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và thống nhất trên phạm vi cả nước.

Qua đó, 91% Bộ, ngành (20/22) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo quy định (tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của Bộ, ngành đã xây dựng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính). Đồng thời, các Bộ, ngành cũng đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng (74/98 cơ quan, tổ chức, chiếm tỷ lệ 75,5%).

Bên cạnh đó, 98,4% địa phương (62/63) đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng HTQLCL theo quy định. Các địa phương cũng đẩy mạnh việc triển khai xây dựng, áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng (61/63 địa phương, chiếm tỷ lệ 96,8% đã triển khai xây dựng, áp dụng HTQLCL tại UBND cấp xã, trong đó đã có 5.499/8.845 cơ quan, chiếm tỷ lệ 62% UBND cấp xã đã xây dựng, áp dụng, công bố HTQLCL phù hợp TCVN ISO 9001 theo quy định).

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh báo cáo sơ kết tình hình triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh, việc xây dựng, áp dụng HTQLCL vào hoạt động của cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước một cách có hiệu lực, hiệu quả là một trong những biện pháp thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính của Chính phủ, từ đó giúp tìm ra biện pháp để cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, giúp vận hành cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” hiệu quả hơn: HTQLCL giúp thấy rõ trong hoạt động của nội bộ cơ quan khi giải quyết công việc, các khâu trong các phòng, ban phải kết nối với nhau một cách hợp lý, từ đó có thể thấy rõ khâu nào bị chồng chéo, bất hợp lý để liên tục cải tiến các quy trình xử lý công việc cho phù hợp, phục vụ người dân/tổ chức tốt hơn.

Thúc đẩy việc nâng cao và hoàn thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị văn phòng cho cán bộ, công chức; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu vị trí công tác.

Ngoài ra, tạo điều kiện để người dân cùng giám sát cán bộ, công chức, giám sát các thủ tục hành chính có được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hay không, từ đó kiến nghị sửa đổi, chỉnh lý văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh những kết quả, hiệu quả của hoạt động xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã đạt được, cho đến nay, có thể nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định 19/2014/QĐ-TTg.

Theo đó, một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001 cho tất cả các thủ tục hành chính đang được giải quyết tại cơ quan, tổ chức trực thuộc, cùng với đó, chưa thực hiện báo cáo định kỳ theo đúng quy định (tháng 12 hằng năm và theo biểu mẫu quy định tại Phụ lục II Quyết định 19/2014/QĐ-TTg).

Quy định về điểm số cho hoạt động xây dựng và áp dụng HTQLCL trong việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính còn thấp (hiện nay, tại các Bộ, ngành là 02 điểm, tại địa phương là 01 điểm), chưa tạo động lực để thúc đẩy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này.

Chưa có hình thức khen thưởng để khuyến khích, động viên các cơ quan, cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai thực hiện.

Hoạt động đào tạo, phổ biến, tuyên truyền về việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL, nghiệp vụ kiểm tra cho các Bộ, ngành, địa phương; hoạt động kiểm tra tình hình xây dựng, áp dụng HTQLCL, tình hình triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg tại các Bộ, ngành, địa phương của Bộ Khoa học và Công nghệ còn hạn chế do kinh phí từ Ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai các hoạt động này còn hạn hẹp.

Chưa có quy định, hướng dẫn chung về các tiêu chí để chấm điểm việc xây dựng, áp dụng HTQLCL nhằm đánh giá tình hình triển khai tại các cơ quan, tổ chức, kết nối với việc chấm điểm chỉ số cải cách hành chính và làm căn cứ để đề xuất hình thức khen thưởng.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu, điều chỉnh để gắn việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của các cơ quan quản lý với hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng.

Sắp tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Thủ tướng mở rộng phạm vi áp dụng tiêu chuẩn đối với các hoạt động liên quan đến dịch vụ công (công chứng do các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền thực hiện; các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ công như bệnh viện, trường học…).