Áp dụng 5S trong y tế giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Bảy 24, 2019 | 17:37 - Lượt xem: 2149
5S là công cụ cải tiến được áp dụng tại nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Việc áp dụng 5S thành công giúp cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng.
Khái niệm 5S (5S methodology) bắt nguồn từ Nhật Bản vào đầu những năm 1980 thế kỷ XX. Theo định nghĩa 5S là Seiri (Sàng lọc những thứ không cần thiết tại nơi làm việc và bỏ đi), Seiton (Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp để dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy), Seiso (Sạch sẽ vệ sinh thiết bị, dụng cụ và nơi làm việc), Seiketsu (Săn sóc nơi làm việc bằng cách luôn thực hiện 3S trên) và Shitsuke (Sẵn sàng giáo dục rèn luyện để mọi người thực hiện 4S trên một cách tự giác).
Hiện nay, có rất nhiều bệnh viện trong và ngoài nước áp dụng phương pháp 5S trong quản lý chất lượng bệnh viện. Có thể kể đến các bệnh viện công lập lớn trong nước như: Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Trưng Vương thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa Trung Ương Quảng Nam… đến các bệnh viện tư nhân như: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu…
Nói về tầm quan trọng của mô hình 5S, TS. BS. Nguyễn Phương Liên – Bệnh viện Truyền máu huyết học nhấn mạnh “5S” là nhiệm vụ trọng tâm Ban Giám đốc giao cho toàn thể cán bộ nhân viên (CBNV) từ các phòng chức năng đến các khoa lâm sàng.
Không chỉ các bệnh viện công lập hay bệnh viện tư nhân lớn áp dụng 5S mà các bệnh viện, phòng khám tại các tỉnh cũng áp dụng mô hình này. Tại Hà Tĩnh, 5S bắt đầu đi vào triển khai tại các bệnh viện từ năm 2016, chủ yếu trong công tác điều dưỡng.
Ở bước đầu áp dụng vào thực tế, mô hình 5S đã được một số bệnh viện nhiệt tình hưởng ứng và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Điển hình như tại bệnh viện đa khoa Kỳ Anh, hoạt động cải tiến này đã được thực hiện thành công ở các bước: Sàng Lọc, Sắp Xếp, Sạch Sẽ không gian làm việc và đang được Săn Sóc hàng ngày để luôn Sẵn Sàng khi cần sử dụng.
Với vai trò quan trọng của 5S, để phát triển đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng trong việc triển khai áp dụng và đánh giá thực hành 5S, các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh chú trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo. Nguồn nhân lực này được coi là “hạt nhân” trong việc triển khai và duy trì 5S tại các đơn vị và góp phần lan tỏa văn hóa 5S ra toàn ngành y tế.
Theo đó, Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình tập huấn “Hướng dẫn áp dụng và triển khai đánh giá 5S tại Bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh” cho cán bộ nhân viên của nhiều Bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
ThS. Vũ Hồng Dân – chuyên gia tư vấn đã từng tham gia tư vấn áp dụng thực hành tốt 5S tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới TW, Bệnh viện Nhi TW, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội trực tiếp giảng dạy. Từ kiến thức về 5S như nguyên tắc thực hành tốt 5S, cách nhận biết các loại lãng phí trong dịch vụ y tế cho đến các bước thực hiện chương trình 5S, quá trình triển khai tại các khu vực (khu vực phòng khám; khối lâm sàng; phòng xét nghiệm, kho dược và vật tư thiết bị y tế, khối văn phòng hay khu vực nhà xe, nhà ăn…), xây dựng tài liệu duy trì và cải tiến 5S đều được truyền tải rõ ràng và dễ hiểu đến các học viên.
Bắt đầu triển khai cách đây 3 năm, Bệnh viện Tim Hà Nội (cơ sở 2) vẫn đang duy trì và cải tiến 5S trên phạm vi toàn đơn vị. Bệnh viện được chọn là điểm tham quan học tập cho nhiều cán bộ đến từ các bệnh viện học hỏi kinh nghiệm. Tại đây, các cán bộ y tế đã được tham quan mô hình triển khai 5S tại các khoa cấp cứu, khoa nội tim mạch chuyển hóa và khoa khám bệnh. Vừa có cơ hội thực hành và đánh giá thực hành 5S, các học viên đều nhận định Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện 5S rất tốt tại các phòng, khoa dù còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Bên cạnh đó, học viên đã cùng nhau đưa ra những cải tiến về 5S theo kiến thức tích lũy được để góp phần giúp Bệnh viện Tim Hà Nội có thể duy trì văn hóa 5S.
Thông qua khóa đào tạo thực hành 5S do Viện Năng suất Việt Nam tổ chức, các học viên có thêm kiến thức về 5S và học hỏi kinh nghiệm triển khai thực tế đã tạo động lực cho các cán bộ trong việc quyết tâm triển khai 5S tại đơn vị mình, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hiện chưa tiếp cận với 5S hoặc nguồn kinh phí chưa cho phép có thể triển khai sâu rộng.