Anh cảnh báo: Rượu có thể gây ra nhiều bệnh ung thư nguy hiểm
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Hai 7, 2022 | 15:44 - Lượt xem: 886
Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Anh, rượu là đồ uống có thể gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư vú, miệng và ruột.
Rượu có thể gây ra những loại ung thư nào?
Hầu hết chúng ta đều biết rằng sử dụng rượu bia quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khỏe, gây ra nhiều bệnh tật, đặc biệt nguy cơ ung thư sẽ rất cao.
Mặc dù hoạt động nghiên cứu về ung thư được đầu tư hàng tỷ USD song cho đến nay giới khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa khỏi bệnh ung thư. Điều đó cho thấy rằng, rất khó để ngăn chặn tế bào ung thư một khi chúng “sinh sôi nảy nở”. Tuy nhiên, sự hiểu biết về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của ung thư có thể giúp ích trong việc ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư. Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư của Anh, rượu có thể gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư vú, miệng, ruột, ung thư thực quản, thanh quản, hầu họng, gan, dạ dày, tụy, ung thư vú.
“Tất cả các loại đồ uống có cồn đều có thể gây ung thư. Rượu bị phân hủy thành một chất hóa học có hại và cũng có thể ảnh hưởng đến các tín hiệu hóa học của cơ thể chúng ta, làm cho ung thư có nhiều khả năng phát triển hơn”, tổ chức này cho biết. Nghiên cứu về cơ chế nhân quả cũng làm sáng tỏ tác động tàn phá của rượu đối với ADN.
“Rượu được phân hủy thông qua một quy trình nghiêm ngặt và chuyển hóa thành năng lượng. Và acetaldehyde, trung tâm của chuỗi này, là liên kết yếu nhất. Nếu acetaldehyde không bị phân hủy sâu hơn, nó sẽ tích tụ trong các tế bào, nơi chất này làm hỏng ADN theo cách có thể gây ung thư”, Viện Nghiên cứu Ung thư của Anh giải thích.
Giáo sư Ketan Patel cùng nhóm của ông tại Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử MRC ở Cambridge, mới đây phát hiện loại tổn thương mà acetaldehyde gây ra đối với ADN. Và họ cũng chỉ ra cách các tế bào ngăn chặn tổn thương này, cách khắc phục nếu điều đó xảy ra.
Cụ thể, nghiên cứu của họ tập trung vào tế bào gốc – một loại tế bào cung cấp nhiều tế bào chuyên biệt khác nhau của cơ thể. Điều quan trọng là phải hiểu được ADN trong tế bào gốc bị tổn thương như thế nào, vì tổn thương này có thể làm phát sinh các loại ung thư khác nhau.
Nhóm của giáo sư Ketan đã nghiên cứu tế bào gốc trong máu ở chuột để xem liệu các yếu tố bên ngoài như rượu có thể làm hỏng ADN theo cách có thể làm tăng nguy cơ ung thư hay không.
Họ phát hiện tế bào có thể bảo vệ ADN khỏi acetaldehyde bằng cách sử dụng một nhóm enzym gọi là acetaldehyde dehydrogenases (viết tắt là ALDH).
“Khi chúng hoạt động bình thường, các enzym ALDH sẽ ngăn chặn acetaldehyde hình thành bằng cách chuyển nó thành acetate mà tế bào có thể sử dụng như một nguồn năng lượng”, giáo sư Patel nói.
Để tìm hiểu tác hại mà acetaldehyde có thể gây ra đối với ADN của tế bào gốc, giáo sư Patel và nhóm của ông đã xem xét các tế bào không có enzym này. Họ đã sử dụng kỹ thuật di truyền trong phòng thí nghiệm để tạo ra những con chuột có tế bào gốc trong màu của chúng không tạo ra enzym ALDH2, nghĩa là chúng không thể phân hủy acetaldedyde.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đưa ethanol pha loãng, dạng rượu tinh khiết nhất, vào những con chuột này, và sử dụng kỹ thuật để quan sát ADN trong các tế bào rồi đọc mã.
Theo giáo sư Patel, kết quả thật đáng kinh ngạc. Nhóm nghiên cứu phát hiện trong các mẫu tủy xương mang tế bào máu thiếu enzym ALDH2, chỉ một liều ethanol đã gây ra sự tích tụ acetaldehyd làm hỏng ADN nghiêm trọng.
“Chúng tôi đã thấy một lượng lớn ADN bị tổn thương trong các tế bào này. Các bit của ADN đã bị xóa, hỏng, và thậm chí các phần của nhiễm sắc thể di chuyển và sắp xếp lại”, giáo sư nói thêm.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống nhiều rượu bia và nguy cơ mắc bệnh ung thư có một mối liên hệ. Tuy nhiên, việc uống rượu sau điều trị ung thư có tăng nguy cơ tái phát hay không vẫn còn cần thêm nhiều nghiên cứu.
Một số nghiên cứu cho rằng sẽ làm tăng nguy cơ tái phát ung thư nếu sau điều trị vẫn tiếp tục uống nhiều rượu. Khi sử dụng rượu làm cho nồng độ Estrogen trong cơ thể tăng lên và đây là nguyên nhân gây tái phát ở bệnh nhân ung thư vú. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa đủ mạnh để ủng hộ cho giả thuyết này.
Đối với những bệnh nhân đang trong quá trình điều trị thì việc sử dụng rượu là một điều bất lợi. Vì rượu chính là tác nhân làm cho bệnh nặng thêm và tình trạng đau đớn tồi tệ thêm. Ngoài ra, rượu có thể tương tác với thuốc điều trị gây tác dụng phụ và làm giảm hiệu quả điều trị.
Từ những thông tin nêu trên, những người mới kết thúc điều trị ung thư phải cân nhắc thật kỹ về việc sử dụng rượu. Mặc dù các kết quả nghiên cứu chưa đủ mạnh để khẳng định ảnh hưởng của rượu với bệnh ung thư. Tuy nhiên, sau điều trị ung thư, người bệnh cần có một lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, nâng cao thể trạng. Bởi vì lạm dụng rượu bia ảnh hưởng đến tất cả mọi người, kể cả người khỏe mạnh chứ không riêng người mới trải qua quá trình điều trị ung thư.
Những tác hại khác của rượu,
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện 108, ngoài việc gây ra ung thư rượu còn gây ra nhiều tác hại khác. Việc sử dụng nhiều rượu, ngoài những tác hại kể trên, còn một số những tác hại ảnh hưởng lâu dài khác. Những tác động như thay đổi cảm xúc, phán đoán, sự tập trung… chúng ta có thể cảm nhận ngay. Những tác hại âm thầm và lâu dài thì chúng ta lại khó nhận biết hơn. Chúng ta có thể sẽ bị lệ thuộc vào rượu và nghiện, gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.
Bỏ rượu đột ngột cũng gặp phải những triệu chứng động kinh, ảo giác, run tay chân nặng hơn còn có thể đe dọa tính mạng bởi những rối loạn nghiêm trọng hơn. Uống rượu nhiều có thể dẫn tới viêm gan, xơ gan tiến triển ung thư gan là có cơ sở khoa học. Rượu làm tăng huyết áp, nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ,… Phụ nữ mang thai uống rượu nhiều có thể gây dị tật thai nhi.
Vậy uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng rượu bia hết mức có thể hoặc có chế độ sử dụng vừa phải để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Mỹ, đối với nam giới, mỗi ngày không nên uống quá 2 đơn vị rượu (14gam rượu tương đương 1 cốc bia 350ml) và nữ giới không uống quá 1 đơn vị rượu. Nữ giới được khuyến cáo dùng ít hơn bởi vì sự đào thải rượu ở nữ chậm hơn nam giới và cơ thể cũng nhỏ hơn nam giới.
Những đối tượng không nên sử dụng rượu bia là: Đối với trẻ em, phụ nữ đang mang thai. Những người vận hành máy móc và lái xe. Người đang trong giai đoạn hồi phục cai nghiện rượu. Người bệnh đang dùng thuốc. Người đang có những bệnh viêm tụy, gan và gout…