Thứ Hai, Tháng TưTháng Tư 5, 2021 @ 15:00
Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”
Ngày 17/3/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”
Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Xem chi tiết tại đây QĐ ban hành chương trình ĐBĐL
Thứ Hai, Tháng Tám 8, 2022 @ 16:42
Lấy ý kiến về dự thảo quyết định ban hành Hướng dẫn hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp
Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Hướng dẫn hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Để hoàn thiện dự thảo Quyết định này trước khi ban hành, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị đơn vị nghiên cứu và cho ý kiến đối với dự thảo quyết định.
Văn bản góp ý xin gửi về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (qua Vụ Đo lường), số ́8 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội; số điện thoại: 024.37911632, địa chỉ email: bandoluong@tcvn.gov.vn trước ngày 20 tháng 8 năm 2022 để tổng hợp và tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Công văn và nội dung dự thảo xem dưới đây:
Thứ Sáu, Tháng Bảy 19, 2024 @ 16:08
Tăng cường công tác đảm bảo đo lường chất lượng và chuyển đổi số trong quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu
Trong các ngày 16-18/7/2024, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/Tập đoàn) tổ chức Hội nghị tập huấn “Đảm bảo đo lường, chất lượng xăng dầu và Chuyển đổi số trong quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu”.
Hoạt động tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thường xuyên được Petrolimex chú trọng trong nhiều năm qua. Điều này khẳng định sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tập đoàn cũng như vị thế hàng đầu của Petrolimex trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng xăng dầu.
Tham dự Hội nghị có TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia; ông Phan Minh Hải – Phó Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam; TS. Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch Hội khoa học và kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam; ông Lê Minh Tâm – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; bà Nguyễn Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Về phía Petrolimex, có ông Đào Nam Hải – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Ngọc Tú- Phó Tổng Giám đốc; ông Nguyễn Đình Dương- Phó Tổng Giám đốc và Trưởng/Phó ban khối kỹ thuật Tập đoàn cùng 135 học viên tham dự trực tiếp và trên 200 học viên tham dự trực tuyến tại 60 điểm cầu trên cả nước là lãnh đạo, cán bộ phòng ban khối kỹ thuật Tập đoàn, lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ tại các đơn vị thành viên.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Nam Hải – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Petrolimex nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động kiểm soát đo lường, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với việc ứng dụng công nghệ trong chính sách phát triển của Tập đoàn. Tập đoàn luôn xác định cần thượng tôn pháp luật, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đo lường, chất lượng, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, quản trị nguồn lực, đổi mới sáng tạo, qua đó tăng năng suất lao động, công khai minh bạch, tạo sức mạnh và tăng sức cạnh tranh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại hội nghị, TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã có bài trình bày “Chuyển đổi số về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – một số gợi ý trong đo lường xăng dầu”. Bài trình bày tập trung vào các chủ đề chính như: Chuyển đổi số, sản xuất thông minh trong cách mạng công nghiệp 4.0; Mô hình xã hội 5.0; Tiêu chuẩn trong chuyển đổi số và sản xuất thông minh; Mô hình quản trị mới Công nghiệp 3.5 – Phù hợp hơn với các nước đang phát triển; Làm thế nào để hài hòa giữa công nghệ vận hành (OT) và công nghệ thông tin (IT); Lộ trình chuyển đổi doanh nghiệp sang sản xuất thông minh.
TS. Hà Minh Hiệp cũng đưa ra một số gợi ý lộ trình chuyển đổi số về đo lường trong ngành xăng dầu như: Trang bị thiết bị đo thông minh, thiết bị đo mức xăng dầu tự động bồn bể, đồng hồ xăng dầu kết nối mạng trực tuyến giám sát, cột đo xăng dầu kết nối mạng giám sát quá trình bán hàng qua từng cột bơm lý hoạt động bán hàng; Phát triển ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng, xuất hóa đơn điện tử hình thành cơ sở dữ liệu đo; Phát triển ứng dụng phần mềm phân tích dữ liệu bán hàng, phục vụ quản lý, kinh doanh. Tuy nhiên, tựu chung lại, vấn đề trọng tâm của chuyển đổi số là ở con người chứ không phải là các phần mềm, các thiết bị thông minh. IT phải phục vụ OT khi OT đã được tối ưu.
Cũng tại hội nghị này, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường có bài trình bày phổ biến/cập nhật những nội dung mới của các văn bản quản lý Nhà nước về đảm bảo đo lường trong kinh doanh xăng dầu, quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu; thảo luận về các vướng mắc và kiến nghị của các học viên trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo đo lường/xử phạt vi phạm.
TS. Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch Hội khoa học và kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam có bài trình bày phổ biến/cập nhật những nội dung mới của các văn bản quản lý Nhà nước về đảm bảo chất lượng xăng dầu trong sản xuất, lưu thông; quy định xử phạt hành chính về chất lượng xăng dầu trong sản xuất và lưu thông.
Hội nghị tập huấn dành một thời lượng đáng kể cho nội dung “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu” do Phó Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam Phan Minh Hải trình bày nhằm hướng dẫn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam theo Đề án 996 của Chính phủ và Quyết định 510/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ; trao đổi/thảo luận về việc xây dựng và triển khai thực hiện đảm bảo đo lường theo các mô hình doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Tại hội nghị, lãnh đạo Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia và lãnh đạo Tập đoàn đã có những cam kết cùng đồng hành chặt chẽ và toàn diện trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Hội nghị tập huấn khóa 2 sẽ tiếp tục được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian từ ngày 23 -25/7.
Thứ Sáu, Tháng Tám 12, 2022 @ 16:06
Đảm bảo đo lường – hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực cạnh và hội nhập
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” diễn ra ngày 12/8, lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh, đảm bảo đo lường không chỉ là đảm bảo phương tiện đo mà còn đảm bảo cả năng lực, hệ thống quản lý, năng lực thực hiện và các năng lực khác.
Tham dự Hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổ Tư vấn Đề án 996, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục, các Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp cho biết, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 996).
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, thời gian qua, Bộ KH&CN, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao theo Đề án 996. Đến nay có 50 tỉnh, thành phố và 03 bộ đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 996. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt là triển khai áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế theo Quyết định 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021.
“Đo lường không chỉ đứng một mình mà đi liền với tiêu chuẩn, hoạt động công nhận và đánh giá sự phù hợp. Chương trình đảm đo lường là một trong những cốt lõi của hoạt động đo lường, chúng ta làm sao gắn với tiêu chuẩn, hệ thống quản lý, gắn các hoạt động về thử nghiệm.
Bên cạnh đó, đảm bảo đo lường không chỉ là đảm bảo phương tiện đo mà còn đảm bảo cả năng lực, hệ thống quản lý, năng lực thực hiện và các năng lực khác. Tôi hy vọng, thông qua hội thảo này, các tổ chức sẽ nhận thấy nhu cầu đổi mới hoạt động đo lường và đăng ký tham gia Chương trình đảm bảo đo lường tại tổ chức”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường đã chia sẻ về hiện trạng triển khai thực hiện Đề án 996/QĐ-TTg. Theo đó, Bộ KH&CN đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án 996 về đo lường tại Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019; phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến 2025, định hướng đến 2030 tại Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN 18/12/2019; Công bố TCVN 13187:2020 về tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường tại QĐ số 2783/QĐ-BKHCN 13/10/2020; Ban hành Quyết định 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Tại Bộ, ngành và địa phương đã có 3 Bộ (Công an, Quốc phòng, Công Thương) xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 996; Đã ký MOU với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đề xuất ký MoU với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Ngoài ra, đang chuẩn bị các bước triển khai chương trình đảm bảo đo lường đến năm 2025 cho toàn bộ các điện lực (bao gồm tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong lĩnh vực đo lường điện).
Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường chia sẻ tại hội thảo.
Cũng theo ông Giầu, tại địa phương đã có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996; Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai hỗ trợ xây dựng, tư vấn xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại 03 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên; Công ty Xăng dầu Bắc Thái; Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Bộ KH&CN cũng ký chương trình hợp tác, hỗ trợ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế (trong đó có nội dung triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc tỉnh).
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận về vai trò và yêu cầu đổi mới hoạt động đo lường, lợi ích của việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; Hướng dẫn xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo Quyết định số 510/QĐ-BKHCN; Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1).
Hà My
Thứ Sáu, Tháng Ba 25, 2022 @ 16:58
Nâng cao năng lực đo lường để triển khai Đề án 996
Theo ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đo lường, chúng ta đã đạt được công nhận 32 chuẩn đo lường, 31 phép đo hiệu chuẩn được thừa nhận quốc tế. Tại địa phương, đã có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996…
Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 996/QĐ-TTg về nâng cao năng lực đối với hoạt động đo lường, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập đo lường trong giai đoạn năm 2025 định hướng năm 2030. Chia sẻ về thực hiện một số mục tiêu của Đề án 996, ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, trong 3 năm, chúng ta đã thực hiện được một số nội dung. Trong đó, thứ nhất, về chuẩn đo lường, hiện đã đạt được công nhận 32 chuẩn đo lường, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt công nhận 41 chuẩn đo lường.
Thứ hai, về phép đo hiệu chuẩn, đã đạt 31 phép đo hiệu chuẩn được thừa nhận quốc tế, phấn đấu đến năm 2030 có 300 phép đo hiệu chuẩn được thừa nhận quốc tế;
Thứ ba, cần thống nhất được định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến các ngành địa phương;
Thứ tư, về chuẩn đo lường và chất chuẩn đo lường, chúng ta cần xây dựng 100 chất chuẩn đo lường, phương tiện đến năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 250 chất chuẩn đo lường.
Thứ năm, về chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm về công tác đo lường, đến năm 2025 là 10.000 người và đến năm 2030 là 20.000 người. Đặc biệt, áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trong cả nước đến năm 2025 sẽ là 50.000 và đến năm 2030 là 100.000.
Thứ sáu, về áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đến năm 2025 là 1000 và năm 2030 là 2000.
Cũng theo ông Trần Quý Giầu, hiện trạng triển khai thực hiện Đề án 996 hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án 996 về đo lường tại Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/201; phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến 2025, định hướng đến 2030 tại QĐ số 3807/QĐ-BKHCN 18/12/2019; công bố TCVN 13187:2020 về tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường tại QĐ số 2783/QĐ-BKHCN 13/10/2020; Ban hành Quyết định 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
“Đối với các Bộ, ngành, đã triển khai được một số công việc cụ thể, có 3 bộ là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 996 về đo lường. Đặc biệt, chúng ta đã đề xuất dự kiến cuối tháng 3/2022, Tổng cục sẽ ký MoU với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đến đầu tháng 4, Tổng cục cũng sẽ có kế hoạch ký MoU đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam”, ông Giầu nhấn mạnh.
Tại địa phương, đã có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996. Đặc biệt, tại tỉnh Thái Nguyên đang triển khai hỗ trợ xây dựng, tư vấn xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp tại 03 doanh nghiệp: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt.
Đây là những mô hình điểm mà Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên mạnh dạn triển khai từ đầu năm 2021. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Chương trình hợp tác, hỗ trợ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế (trong đó có nội dung triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc tỉnh).
Hà My
Thứ Hai, Tháng Năm 10, 2021 @ 15:15
Ban hành Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp
Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ra Quyết định 510/QĐ-BKHCN về việc ban hành Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Theo đó, cấu trúc chung của Chương trình bảo đảm đo lường gồm có 07 thành phần sau: Tên Chương trình, thời gian thực hiện Chương trình, mục tiêu của Chương trình, các nhiệm vụ chính của Chương trình, giải pháp thực hiện, kinh phí thực hiện Chương trình và tổ chức thực hiện. Tùy thuộc vào nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện và tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, cấu trúc của Chương trình có thể đầy đủ hoặc chỉ có một số các thành phần trên.
Bên cạnh đó, Quyết định cũng nêu rõ, ngoài mục tiêu chung, thì Chương trình phải có những mục tiêu cụ thể như: Chỉ tiêu định lượng về tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ; Mức độ tăng cường kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đi, thử nghiệm, kiểm tra; phương pháp đi, thử nghiệm, kiểm tra; lượng của hàng đóng gói sẵn; kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Mức độ tăng cường kiểm soát phát thải ra môi trường; đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; Mức độ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, hàng hóa toàn cầu
Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp tập trung các nhiệm vụ chính gồm: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản triển khai thực hiện đảm bảo đo lường đang áp dụng; Rà soát, tăng cường thực hiện đảm bảo đo lường; Ứng dụng công nghệ đo lường tiên tiến, đổi mới tăng cường đảm bảo đo lường theo định hướng phát triển của sản xuất, kinh doanh; Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật và quản lý về đo lường cho nhân viên quản lý, nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng của các đơn vị, bộ phận sản xuất, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa….
Trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn: Tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường; Chỉ đạo cơ quan chuyên trách về Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp trên địa bàn địa phương; Tổ chức tiếp nhận Chương trình đảm bảo đo lường của các doanh nghiệp; tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan của địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường theo quy định; Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường về UBND cấp tỉnh để báo cáo Bộ KH&CN (thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) theo quy định.
Cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc cơ quan tham mưu, gúp việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và Công nghệ trên địa bàn có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan của địa phương khảo sát, thống kê các doanh nghiệp cần hỗ trợ về đo lường; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường theo quy định; Tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tại địa phương xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường; Tổ chức kiểm tra hướng dẫn triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp trên địa bàn địa phương; Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu, tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường của các doanh nghiệp trên địa bàn địa phương về cơ quan tham mưu, giúp việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý khoa học và công nghệ trên địa bàn và Bộ KH&CN (thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) theo quy định.
Hà My
Thứ Sáu, Tháng Mười Một 3, 2023 @ 10:42
Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Sáng ngày 3/11/2023, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức “Hội nghị Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Công Võ – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đo lường và đảm bảo đo lường có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của doanh nghiệp. Để nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hoạt động đo lường và đảm bảo đo lường cần được đẩy mạnh về nhận thức và thực hiện một cách hiệu quả. Đo lường không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ được cung cấp, mà còn có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây là văn bản và khung pháp lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Để đạt được các mục tiêu của Đề án 996, các Bộ, Ngành, địa phương cần phối hợp và tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tập huấn các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về đảm bảo đo lường.
Cũng theo ông Võ, Vĩnh Phúc là 1 trong 5 địa phương được lựa chọn để triển khai chương trình đảm bảo đo lường đầu tiên trong chuỗi các hoạt động tập huấn tại các tỉnh/ thành phố có chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ bao gồm: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu Hội nghị, ông Đặng Thanh Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) cho biết, Hội nghị tập huấn xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động đảm bảo đo lường, tiếp theo là khảo sát đánh giá thực trạng tại doanh nghiệp, đề xuất chương trình kế hoạch đảm bảo đo lường và các hoạt động triển khai cụ thể cho từng doanh nghiệp.
Ông Tùng cũng mong muốn Vĩnh Phúc sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về hoạt động đo lường và đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Trong khuôn khổ hội nghị, chuyên gia Trần Khắc Điền, nguyên Phó viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam (VMI) đã có bài giới thiệu chi tiết về Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính Phủ và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17 tháng 03 năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”; Các bước chuẩn bị, phân tích và đánh giá thực trạng đảm bảo đo lường, phương pháp xây dựng các mục tiêu của Chương trình đảm bảo đo lường; dự kiến hiệu quả xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường; Giới thiệu phương thức đăng ký tham gia thí điểm xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại từng địa phương.
Hội nghị Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp là một nội dung quan trọng thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”
Trần Huy Nam – Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL
Thứ Sáu, Tháng Chín 22, 2023 @ 17:36
Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp
Sáng ngày 22/9/2023, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) phối hợp cùng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội tổ chức “Hội nghị Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, khi nói về đo lường thường biết đến đo lường pháp định, đo lường khoa học, đo lường ứng dụng. Trong thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt về đo lường pháp định thông qua việc thực hiện Luật Đo lường, các Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, để nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến đo lường pháp định mà còn phải quan tâm đến đo lường khoa học và đo lường ứng dụng, chính vì vậy, Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây là văn bản và khung pháp lý để chúng ta thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thực hiện đáp ứng theo yêu cầu của đo lường ứng dụng và đo lường khoa học. Để đạt được các mục tiêu của Đề án 996, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp và tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tập huấn các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về đảm bảo đo lường.
Cũng theo ông Giầu, thành phố Hà Nội là một trong năm địa phương được lựa chọn để triển khai đầu tiên trong chuỗi các hoạt động tập huấn tại các tỉnh/ thành phố có chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ bao gồm: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá thực tế về hoạt động đo lường trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Minh Hằng – Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Hà Nội chia sẻ mục tiêu chung của chương trình với mong muốn thành phố Hà Nội sẽ là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cả nước về hoạt động này, nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thông qua thực hiện các chương trình đảm bảo đo lường phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các nội dung chính được chia sẻ trong chương trình tập huấn bao gồm: Vai trò của hoạt động đo lường và hiện trạng hoạt động đo lường tại các doanh nghiệp Việt Nam; Yêu cầu đổi mới hoạt động đo lường để nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Một số kinh nghiệm về đổi mới hoạt động đo lường và đảm bảo đo lường trong nước và quốc tế;
Bà Trần Thị Minh Hằng – Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Hà Nội.
Giới thiệu Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tường Chính Phủ và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17 tháng 03 năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”; Các bước chuẩn bị, phân tích và đánh giá thực trạng đảm bảo đo lường, phương pháp xây dựng các mục tiêu của Chương trình đảm bảo đo lường; dự kiến hiệu quả xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường;
Hội nghị thu hút đông đảo các đại diện tổ chức, doanh nghiệp tham dự.
Phương thức đăng ký tham gia thí điểm xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại từng địa phương; Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
“Hội nghị Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” là một nội dung quan trọng thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Mục tiêu chung nhiệm vụ tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thông qua thực hiện các chương trình đảm bảo đo lường tại các tỉnh, thành phố có chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động đo lường và đổi mới hoạt động đo lường tại doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm đo lường; Triển khai 03 mô hình điểm về xây dựng và phê duyệt chương trình đảm bảo đo lường trên địa bàn các tỉnh/thành phố có chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ; Tuyên truyền, phổ biến kết quả áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường của doanh nghiệp tới các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh/thành phố tham gia chương trình để khuyến khích, nhân rộng triển khai chương trình đảm bảo đo lường.
Hà My
Thứ Hai, Tháng Năm 8, 2023 @ 10:09
Chương trình đảm bảo đo lường giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Kể từ khi triển khai, nhiều nhiệm vụ của Đề án 996 bắt đầu mang lại kết quả tích cực. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo đo lường thông qua công tác kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được đẩy mạnh, có hiệu quả đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều văn bản hướng dẫn được ban hành
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò được giao đầu mối, chủ trì triển khai Đề án 996.
Theo đó, một trong các mục tiêu chung của Đề án là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.
Ông Trần Qúy Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục TCĐLCL cho biết, thời gian qua, theo nhiệm vụ được giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030. Theo đó xác định rõ công việc, tiến độ, phân công cụ thể đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 996;
Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 Phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN ngày 13/10/2020 về việc công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13187:2020 Phòng thí nghiệm đo lường – Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường; Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”…
Những kết quả tích cực
Vụ Đo lường cho biết, kể từ khi triển khai, nhiều nhiệm vụ của Đề án bắt đầu mang lại kết quả tích cực, cụ thể như: Các địa phương đều có hoạt động tuyên truyền trên đài phát thanh – truyền hình địa phương, cổng thông tin điện tử và Sở Khoa học và Công nghệ; Công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo đo lường thông qua công tác kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được đẩy mạnh, có hiệu quả đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai Chương trình đảm bảo đo lường với hình thức đa dạng, đổi mới cách thức thực hiện; Công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đo lường tăng mạnh số lượng học viên, doanh nghiệp tham gia với nhiều nội dung đổi mới, sát với thực tế.
Để phát huy kết quả đạt được trong năm tới phương hướng cần tập trung nhân rộng mô hình xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp ở một số địa phương, bộ, ngành trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực điện, nước, xăng dầu, sản xuất hàng đóng gói sẵn; Tập trung đào tạo tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn ở các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai chương trình so sánh liên phòng đối với phép đo hiệu chuẩn chuẩn đo lường, phương tiện đo; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, rà soát năng lực của các tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường; Phối hợp chặt chẽ các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp để xác định nhu cầu, vận động, giới thiệu doanh nghiệp tham gia Chương trình đảm bảo đo lường; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 996; Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; tăng cường hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp điển hình.
Theo VietQ
Thứ Bảy, Tháng Ba 4, 2023 @ 9:13
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng luôn tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của ngành
“Trong vòng 05 năm trở lại đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có những đóng góp nhất định và đạt những thành tựu nổi bật”, đây là nhận định của TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL tại Diễn đàn ISO Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra ngày 28/02/2023.
Theo TS. Hà Minh Hiệp, Tổng cục TCĐLCL luôn tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của ngành, lĩnh vực và địa phương. Với môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động TCĐLCL đã được tạo lập một cách bền vững, ổn định, vì vậy đã có những đổi mới căn bản theo hướng hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động này, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sản xuất và doanh nghiệp phát huy mọi năng lực sáng tạo đóng góp tích cực đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập.
Các chương trình thúc đẩy năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam như Chương trình 712, 1322, Đề án TBT và nhiều cơ chế, chính sách khác do Tổng cục tham mưu xây dựng trong thời gian qua đã thực sự tạo ra bước đột phá mới gắn kết các hoạt động TCĐLCL với thị trường và doanh nghiệp. Hoạt động của Tổng cục đã có đóng góp đặc biệt, xuất sắc cho sự phát triển của ngành, góp phần vào sự đổi mới đất nước, ổn định chính trị và để lại dấu ấn trong và ngoài nước.
Hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thời gian qua đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Tổng cục đã tổ chức thẩm định và công bố hơn 13.500 TCVN, trong đó năm 2021 là 389 TCVN và thẩm định hơn 800 QCVN. Với số lượng hơn 13.500 TCVN, tỷ lệ TCVN hài hòa với ISO là trên 70% (cao nhất trong tổng tỷ lệ hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế, Tiêu chuẩn khu vực bao gồm cả IEC, CODEX, EN, ASTM,… là >60%).
Công tác quản lý về đo lường luôn được Tổng cục quan tâm chỉ đạo, đặc biệt đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước, tập trung quản lý thống nhất ở trung ương. Tổng cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định của Bộ về: Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019); Hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp (Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 và đồng thời tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đáp ứng mục tiêu của Đề án 996 trong các năm tiếp theo)
Trong bài trình bày tại Diễn đàn ISO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, TS. Hà Minh Hiệp cũng nhấn mạnh lại xu hướng hội nhập với quốc tế và tham gia sâu vào các Tổ chức quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL sẽ đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển của lĩnh vực này.
Song song với cơ hội phát triển và hội nhập thì Tổng cục TCĐLCL đối mặt không ít thách thức. Cụ thể, nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế, chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên môn, nghiệp vụ để có thể tham gia sâu vào các hoạt động Tiêu chuẩn hoá quốc tế;
Sự quan tâm của các bên đối với hoạt động tiêu chuẩn hoá tại Việt Nam chưa cao, đặc biệt là khối tư nhân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế về việc nâng cao nhận thức tầm quan trọng của TCĐLCL trong đời sống xã hội nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, dù đứng trước không ít khó khăn, thách thức nhưng Tổng cục TCĐLCL vẫn luôn nỗ lực trong việc khắc phục những thách thức. Trong đó, Tổng cục TCĐLCL đã chủ động xây dựng các chương trình quốc gia, kế hoạch, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn, hỗ trợ cho các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật do các bộ, ngành quản lý đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức tăng cường hoạt động tuyên truyền về TCĐLCL, năng suất chất lượng, cảnh báo chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức chung của xã hội về Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL để phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý và của doanh nghiệp, người tiêu dùng.