Wednesday, May 20, 2015 @ 9:13
Giới thiệu chung
Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia ngày nay có tiền thân là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia được quy định trong Quyết định số 489/QĐ- BKHCN ngày 27 tháng 03 năm 2024.
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
Ngày 4/4/1962, Viện Đo lường và Tiêu chuẩn, cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên về đo lường và tiêu chuẩn hoá của nước ta, đã được thành lập trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học Công nghệ).
Ngày 31/12/1970, Viện Đo lường và Tiêu chuẩn được tách thành hai Viện: Viện Đo lường và Viện Tiêu chuẩn đều trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Để đáp ứng những yêu cầu về quản lý chất lượng của nền kinh tế đất nước, ngày 6/4/1971, Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá đã được thành lập trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Ở miền Nam, trước ngày giải phóng, Viện Quốc gia Định chuẩn thuộc chính quyền Sài gòn đã được thành lập vào năm 1972. Sau khi thống nhất đất nước, ngày 6/4/1976, Hội đồng Chính phủ đã quyết định đổi tên Viện Quốc gia Định chuẩn thành Viện Định chuẩn trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Cũng thời gian này, Hội đồng Chính phủ đã quyết định chuyển đổi Viện Đo lường và Viện Tiêu chuẩn thành Cục Đo lường Trung ương và Cục Tiêu chuẩn.
Do yêu cầu phải phối hợp đồng bộ ba mặt công tác tiêu chuẩn hoá, đo lường và quản lý chất lượng, ngày 13/9/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 325/CP về hợp nhất Cục Tiêu chuẩn, Cục Đo lường Trung ương, Cục Kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá và Viện Định chuẩn thành Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nhà nước.
Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học Công nghệ) được thành lập ngày 8/2/1984 theo Nghị định 22/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) trên cơ sở Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nhà nước.
THÀNH TỰU
Trải qua 62 năm hình thành và phát triển, hoạt động TCĐLCL trong cả nước đã đạt được những thành tựu to lớn đóng góp vào sự phát triển, đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, củng cố an ninh quốc phòng. Những thành tựu to lớn này có thể được đúc kết trong 8 lĩnh vực cơ bản sau:
Một là, đã xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL đồng bộ trên cơ sở 3 trụ cột chính là Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Luật Đo lường với đầy đủ các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động đo lường thống nhất và chính xác, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển KH&CN, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; đồng thời là công cụ đắc lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, đã hình thành hệ thống tổ chức TCĐLCL trong cả nước từ Trung ương, các ngành, địa phương đến các cơ sở. Ủy ban TCĐLCL Quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về TCĐLCL. Tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hình thành các Chi cục TCĐLCL Phòng ban TCĐLCL thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhà nước về TCĐLCL tại địa phương. Ngoài ra, còn có các Bộ, ngành thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm, hàng hoá được phân công trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã hình thành một hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về TCĐLCL từ Trung ương đến địa phương.
Mạng lưới các tổ chức thực hiện dịch vụ kỹ thuật TCĐLCL của các cơ quan nhà nước và tư nhân hiện đã đóng một vai trò rất quan trọng đối với công tác phục vụ quản lý nhà nước về TCĐLCL và hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ máy và nhân lực làm về TCĐLCL trong từng doanh nghiệp cũng đã trở thành một phần cấu thành thiết yếu trong hệ thống sản xuất, kinh doanh và cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Ba là, công tác tiêu chuẩn hoá được triển khai rộng khắp, hỗ trợ đầy đủ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật với gần 14.000 Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN), trong đó 60% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và hơn 800 QCVN, do 13 Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng, ban hành đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý kinh tế – xã hội của đất nước.
Đến nay, hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động đáp ứng kịp thời sự chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý, phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. TCVN được định hướng xây dựng cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực và những vấn đề thiết yếu khác của nền kinh tế – xã hội đất nước. Mặt khác, tỷ lệ hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực không ngừng được nâng lên sẽ góp phần đắc lực phục vụ cho việc cải tiến và đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất và cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, thúc đẩy thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bốn là, hoạt động đo lường ngày càng phát triển theo chiều sâu, với hạ tầng chuẩn đo lường quốc gia và hệ thống các tổ chức thực hiện dịch vụ kỹ thuật. Hệ thống chuẩn Đo lường Quốc gia tiếp tục được xây dựng và củng cố với 48 chuẩn đo lường quốc gia đã được phê duyệt; Hoạt động duy trì, dẫn xuất, sao truyền chuẩn từ chuẩn đo lường quốc gia xuống các chuẩn đo lường cấp thấp hơn của các Bộ, ngành, địa phương, của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, của các doanh nghiệp là cơ sở kỹ thuật góp phần bảo đảm tính thống nhất, tin cậy, chính xác của phép đo trong đo lường công nghiệp nhằm kiểm soát các thông số công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến để tạo sản phẩm, hàng hóa đáp ứng với yêu cầu quy định mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Để phục vụ việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo, đã có 33 phép đo của Việt Nam được Tổ chức Đo lường Quốc tế công nhận (CMC/CIPM) trong 6 lĩnh vực đo lường: Độ dài, Khối lượng, Dung tích lưu lượng, Áp suất, Thời gian Tần số, Nhiệt độ. Nhiều chương trình đảm bảo đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng; Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt mẫu phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản phù hợp với thông lệ quốc tế.
Năm là, công tác quản lý chất lượng đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước. Thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng, xử lý vi phạm đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.
Các hoạt động quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng và đánh giá sự phù hợp đã được đẩy mạnh và phù hợp với chuẩn mực và tập quán quốc tế; Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế là nền tảng cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước; thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các nước trong khu vực, quốc tế, giúp cho việc xoá bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt có tác dụng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng của nước ta.
Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9000 đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia, được phổ biến áp dụng thành công ở hàng ngàn doanh nghiệp và ở cả các đơn vị hành chính để đảm bảo chất lượng, đánh giá sự phù hợp, làm cơ sở cho sự hội nhập, thừa nhận và công nhận lẫn nhau theo tập quán và thông lệ quốc tế.
Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” và Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã và đang được triển khai tích cực góp phần tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chương trình bước đầu đã tạo ra được phong trào Năng suất Chất lượng ở các Bộ ngành, địa phương với 6/8 dự án ngành và 56/63 dự án địa phương được phê duyệt và triển khai thực hiện.
Xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất đối với doanh nghiệp; Ngoài ra, việc đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thử nghiệm, giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã gián tiếp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và giúp doanh nghiệp trong nước hội nhập với quốc tế thuận lợi hơn.
Sáu là, hoạt động hợp tác quốc tế và phục vụ hội nhập trong lĩnh vực TCĐLCL đã được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Ủy ban TCĐLCL Quốc hiện là cơ quan đại diện Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng và mã số mã vạch; duy trì hợp tác thường xuyên với hơn 30 tổ chức quốc tế, một số nước trên thế giới và khu vực. Trong quá trình tham gia vào các tổ chức nói trên, Ủy ban đã trình bày quan điểm thể hiện những lợi ích của Việt Nam, tranh thủ và khai thác tối đa sự giúp đỡ và ủng hộ của các tổ chức này nhằm thúc đẩy hoạt động TCĐLCL ở nước ta.
Nội dung hợp tác quốc tế ngày càng gắn kết với các yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Việc tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua đã giúp xây dựng nên chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phù hợp với bài bản quốc tế, góp phần tích cực tạo thuận lợi cho thương mại, tăng cường vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực, đảm bảo sự hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này thể hiện qua số lượng tiêu chuẩn Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế tăng lên hàng năm, các dự án nâng cao năng lực chuyên gia và các tổ chức về năng suất chất lượng, các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp đã ký kết và đang xây dựng đều theo những bài bản do các Tổ chức quốc tế và khu vực xây dựng.
Hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao năng lực về xây dựng tiêu chuẩn, chứng nhận, thử nghiệm, đo lường, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực đáp ứng các nghĩa vụ về TBT cũng như giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường. Nội dung hợp tác quốc tế ngày càng gắn kết với các yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Bảy là, Tổng cục TCĐLCL đã xây dựng và không ngừng củng cố công tác thông tin, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất. Hoạt động thông tin tư liệu được đẩy mạnh với hệ thống cơ sở dữ liệu về TCVN và tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn của các nước phát triển. Với hơn 1.800 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực thuộc Tổng cục, cùng với hàng vạn người hoạt động trong lĩnh vực TCĐLCL của các ngành, địa phương và doanh nghiệp đã tạo thành cơ sở cho đội ngũ những người làm công tác TCĐLCL đông đảo về số lượng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế.
Hàng nghìn nhà khoa học, các chuyên gia của các cơ quan quản lý, các Viện nghiên cứu, Trường đại học đã tham gia xây dựng tiêu chuẩn trong các Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, nghiên cứu khoa học về đo lường trong các Ban kỹ thuật đo lường, tham gia hoạt động đánh giá sự phù hợp, tham gia các Hội đồng giải thưởng chất lượng quốc gia… đã làm cho hoạt động TCĐLCL ngày càng được xã hội hoá sâu rộng.
Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, Ủy ban đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế và tự đầu tư để tăng cường năng lực về đo lường thử nghiệm. Đến nay, Ủy ban đang quản lý và sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật trị giá hàng trăm tỉ đồng, xây dựng mới, cải tạo hàng chục nghìn m2 phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn và phòng làm việc, trong đó có những phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Tám là, nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gắn với việc thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân, Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã đi tiên phong trong hoạt động hỗ trợ các SME qua các hoạt động như: Đào tạo chuyên gia TOT phát triển SMEs, các khóa huấn luyện đào tạo cho các doanh nhân (Chương trình CEFE), Khởi sự và hoàn thiện SMEs (SIYB) và nhiều hoạt động khác. Kinh nghiệm hỗ trợ SMEs của các nước trên thế giới và châu Á đã được đúc kết để trình tổ công tác của Chính phủ soạn thảo Nghị định và hiện nay là Luật về SMEs. Qua những hoạt động này Tổng cục đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cơ quan liên quan về vai trò của SMEs trong nên kinh tế thời kỳ đổi mới.
THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC
* Thành tích của tập thể của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia được ghi nhận qua 62 năm 1962 – 2024:
– 1987 Huân chương Lao động hạng Hai
– 2000 Huân chương Lao động hạng Nhất
– 2002 Huân chương Độc lập hạng Ba
– 2007 Huân chương Độc lập hạng Hai
– 2009 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
– 2010 Cờ thi đua của Chính phủ
– 2012 Huân chương Độc lập hạng Nhất
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
– 2013 Cờ thi đua của Chính phủ
– 2016 Cờ thi đua của Chính phủ
– 2017 Huân chương Lao động hạng Nhất
Danh hiệu “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới”
(đang cập nhật)
* Thành tích của các đơn vị, cá nhân trực thuộc Ủy ban được ghi nhận qua 62 năm 1962 – 2024:
– 01 tập thể được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất
– 04 tập thể và 10 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai
– 08 tập thể và 23 cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba
– 03 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ
– 15 tập thể và 10 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
– 02 cá nhân được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc
– 11 tập thể được Cờ thi đua của Bộ Khoa học và Công nghệ
…
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được nêu trong Quyết định số 489/QĐ- BKHCN ngày 27 tháng 03 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Chi tiết xem tại đây!