Góp ý dự thảo ‘Xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam’

Thứ Sáu, Tháng Ba 28, 2025 | 23:58

Ngày 28/3/2025, tiếp nối thành công của hội thảo tham vấn lần thứ nhất, được sự đồng ý của Văn phòng Dịch vụ Dự án thuộc Liên Hợp Quốc (UNOPS), Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Năng lượng Đông Nam Á (ETP) và Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), các thành viên Liên danh tư vấn bao gồm: Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng (ISSQ); Công ty TNHH Pondera Việt Nam (thuộc tập đoàn Royal HaskoningDHV), Công ty Cổ phần Xây dựng Điện 1 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI),… đã tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ hai nhằm tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về Điện gió ngoài khơi (OWP) tại Việt Nam

Tham dự hội thảo, phía đại diện đến từ đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) có ông Đỗ Mạnh Toàn – Điều phối viên chương trình cao cấp của Đối tác chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á. Về phía đại diện đến từ Ủy ban có ông Triệu Việt Phương – Quyền Viện trưởng Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam; bà Đoàn Thị Thanh Vân – Trưởng phòng Tiêu chuẩn Điện, điện tử, Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.

Phía đại diện các đơn vị tham gia thực hiện và đội ngũ chuyên gia tham gia dự án: ông Nguyễn Minh Ngọc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng – đơn vị đứng đầu liên danh; TS. Trần Thái Hải – Trưởng dự án, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 (EVNPECC1), TS. Vũ Văn Diện – Phó Trưởng Dự án, Chuyên gia tiêu chuẩn, Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng; ông Ngô Kiên Cường – Chuyên gia kỹ thuật Công ty TNHH Pondera Việt Nam thuộc tập đoàn Royal Haskoning DHV.

Ông Đỗ Mạnh Toàn – Điều phối viên chương trình cao cấp của Đối tác chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Mạnh Toàn – Điều phối viên chương trình cao cấp của Đối tác chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP) – UNOPS cho biết: “Việc hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về điện gió ngoài khơi không chỉ giúp định hình các yêu cầu kỹ thuật cho ngành công nghiệp này tại Việt Nam mà còn tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong nước và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững. Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia và đóng góp của các bên liên quan trong quá trình tham vấn, nhằm đảm bảo bộ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với các cam kết quốc tế, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”. 

Buổi họp tham vấn được tổ chức với mục tiêu tổng hợp các ý kiến đã tiếp nhận trong hội thảo lần thứ nhất, trình bày những nội dung đã được điều chỉnh trong dự thảo, thảo luận các vấn đề còn tranh luận, và tiếp tục lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia sẽ thu thập ý kiến đóng góp từ các đại biểu để hoàn thiện dự thảo trước khi công bố. Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn này tuân thủ theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam cũng như Thông tư 11/2021/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của ngành hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của điện gió ngoài khơi, góp phần hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện các cam kết về chuyển dịch năng lượng và phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Chia sẻ tại buổi họp tham vấn, ông Triệu Việt Phương – Quyền Viện trưởng Viện tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo đóng vai trò then chốt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững. Điện gió, cùng với hệ thống lưu trữ năng lượng, không chỉ góp phần quan trọng trong việc tối ưu hóa khai thác nguồn tài nguyên gió mà còn giúp nâng cao độ ổn định và hiệu quả của hệ thống điện quốc gia.

Ông Triệu Việt Phương – Quyền Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ).

Trong những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển năng lượng tái tạo. Nhằm đảm bảo chất lượng và tính đồng bộ trong triển khai, đến nay, hệ thống Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) về điện gió đã công bố 7 TCVN liên quan đến thiết kế Tuabin gió, đo và đánh giá đặc tính chất lượng điện năng của tuabin gió nối lưới, hướng dẫn thử nghiệm và chứng nhận sự phù hợp; bảo vệ chống sét cho Tuabin gió và Đo hiệu suất năng lượng của tuabin gió. Tuy nhiên, để theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và đảm bảo hệ thống điện gió vận hành an toàn, hiệu quả, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này là rất cần thiết. Dự án xây dựng thêm 20 tiêu chuẩn quốc gia lần này sẽ góp phần bổ sung và dần hoàn thiện hệ thống TCVN về lĩnh vực điện gió.

Buổi họp tham vấn đã tập trung vào các nội dung chính như: Tóm tắt kết quả hội thảo lần thứ nhất, bao gồm tổng quan về dự án và các bước triển khai, cũng như các ý kiến góp ý chính từ các bên liên quan; Trình bày 20 dự thảo tiêu chuẩn TCVN dựa trên các góp ý đã tiếp nhận từ các chuyên gia kỹ thuật và các bên liên quan; Thảo luận và tiếp nhận các nội dung phản hồi và tiếp thu các ý kiến góp ý, xác định những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện; Lộ trình hoàn thiện bộ tiêu chuẩn và kế hoạch trình nộp cho Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) thẩm tra và tiến hành các thủ tục tiếp theo trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và công bố.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và tiếp tục lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ủy ban TCĐLCLQG sẽ thu thập ý kiến đóng góp từ các đại biểu để hoàn thiện dự thảo trước khi công bố.

Phùng Hằng