4 nguyên tắc để thiết lập hệ thống mua hàng xanh trong năng suất xanh

Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 20, 2025 | 10:11 - Lượt xem: 94

Mua hàng xanh (Green Purchasing) là việc thiết lập các chính sách, tiêu chuẩn mua hàng trong phạm vi một tổ chức, doanh nghiệp hay lĩnh vực để đảm bảo rằng quyết định mua bao gồm cả các yếu tố môi trường là một trong các tiêu chí quyết định với 4 nguyên tắc.

 Nguyên tắc 1: Tính cần thiết Bước đầu tiên trước khi mua sắm, cân nhắc kỹ xem sản phẩm hay dịch vụ có cần thiết hay không. Việc sửa chữa hay thay đổi cũng nên được cân nhắc đối với các sản phẩm đang được sử dụng. Bên cạnh đó, giải pháp thuê hoặc cho thuê cũng nên được xem xét hoặc mua các sản phẩm mới với số lượng vừa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Nguyên tắc 2: Vòng đời của sản phẩm Khi quyết định mua, các tác động khác nhau tới môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ giai đoạn thu mua nguyên liệu thô cho tới khi sản phẩm bị thải bỏ, cần phải xem xét và cân nhắc đến một số các đặc tính sau như: Giảm thiểu các chất độc hại; Sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; Sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; Tăng độ bền; Thiết kế để tái sử dụng; Thiết kế để tái chế; Sản phẩm có chứa vật liệu tái chế; Tính thải bỏ.

Mua hàng xanh được nhận định sẽ là xu thế tất yếu trong tương lai.

Nguyên tắc 3: Nỗ lực của nhà cung ứng Ngoài việc đánh giá sản phẩm, người tiêu dùng cũng cần đánh giá những hoạt động bảo vệ môi trường của nhà cung ứng như: Liệu doanh nghiệp có áp dụng chính sách môi trường không? Có triển khai các biện pháp quản lý môi trường phù hợp hay không? Hoặc họ có tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường không?

Nguyên tắc 4: Thu thập thông tin về môi trường Trước khi quyết định mua một sản phẩm, những thông tin môi trường mà người tiêu dùng nên quan tâm như nhãn môi trường, thông tin của doanh nghiệp trên sản phẩm hoặc website. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu nhà phân phối cung cấp các thông tin chi tiết hơn về môi trường của sản phẩm đó. Bên cạnh đó, tổ chức có thể sử dụng công cụ SMART (S – Cụ thể; M – Đo lường được; A – Khả thi; R – Gắn với thực tế; T- Phạm vi thời gian) để giúp quá trình mua sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và công sức hơn.