Rừng thủ tục và nỗ lực cải cách của Bộ Khoa học và Công nghệ

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 8, 2017 | 7:19 - Lượt xem: 1827

Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ KH&CN đã có những nỗ lực rất ấn tượng để đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu – vốn được đánh giá là “rừng” thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2

Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Từ tiền kiểm sang hậu kiểm” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 8/12, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo rà soát hàng hóa nhóm 2 và VBQPPL về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của 12 Bộ quản lý chuyên ngành để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 75/NQ-CP.

Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh trong chương trình Tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Hiện nay, các Bộ quản lý chuyên ngành đang tích cực thực hiện việc này, trong đó một số Bộ ngành cũng đã đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 đối với một số sản phẩm, hàng hóa (ví dụ Bộ Xây dựng: 39/64 SP; Bộ NNPTNT: 10/21 nhóm SP; Bộ LĐTBXH: 05/28 SP; hay như Bộ Y tế đã ban hành danh mục hàng hóa nhóm 2 trong đó cũng đã loại bỏ 32/57 sản phẩm cụ thể thuộc 4 nhóm SP). Đối với các hàng hóa nhóm 2 còn lại trong danh mục, các Bộ ngành cũng đang rà soát để quy định cụ thể loại hàng hóa phải tiền kiểm, loại hàng hóa chuyển sang hậu kiểm để đảm bảo giảm ít nhất 50% số mặt hàng nhóm 2 phải thực hiện tiền kiểm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 75/NQ-CP.

“Riêng đối với Bộ KH&CN, đến nay Bộ đã ban hành Thông tư 02/2017 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, Thông tư 07/2017 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan”, ông Linh cho biết.

Ông Linh cũng cho biết thêm, trước đây có 24 nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30 nghìn lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp”.

Đề cập đến danh mục hàng hóa nhóm 2 đang được cho là quá rộng, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng cần thu hẹp danh mục hàng hóa nhóm 2 đối với những hàng hóa chưa có QCVN, chưa rõ biện pháp lý hoặc tiêu chí kiểm tra không rõ ràng dối với hàng hóa, hàng hóa có mức độ rủi ro thấp hoặc không có mức độ rủi ro trong thực tế.

“Việc thu hẹp danh mục hàng hóa nhóm 2 là trách nhiệm của từng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực”, ông Linh cho biết.

Tọa đàm “Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Từ tiền kiểm sang hậu kiểm” được Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng 8/12 

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Trước lo ngại về công tác hậu kiểm đối với hàng hoá, xuất nhập khẩu sẽ tạo ra sự buông lỏng trong quản lý chất lượng hàng hoá, ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, công tác tiền kiểm sẽ chặt chẽ hơn so với hậu kiểm.

Tiền kiểm thì doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm hàng hóa phải phù hợp với tất cả các quy định của pháp luật trước khi lưu thông. Còn đối với hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một phần trước, sau đó được thông quan ngay. Thực hiện theo biện pháp quản lý mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp.

“Tôi cho rằng đây không phải là sự dễ dãi hay buông lỏng mà trong quá trình kiểm tra nhập khẩu mà là tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp nhất cho doanh nghiệp thực thi các quy định của pháp luật. Đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng. Nhà nước sẽ thực hiện việc hậu kiểm và đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp”, ông Linh nói.

Hiện Bộ KH&CN đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan và tất cả các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đều đã được ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các biện pháp quản lý, cụ thể Bộ KH&CN đã ban hành 07 QCVN, ông Linh cho biết.

Quy định về cơ chế hậu kiểm:

– Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu và cam kết chất lượng hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng tại cơ quan kiểm tra.

– Cơ quan kiểm tra xác nhận người nhập khẩu đã đăng ký kiểm tra để người nhập khẩu thông quan hàng hóa.

– Trong thời gian quy định kể từ ngày thông quan hàng hóa, người nhập khẩu phải nộp kết quả tự ĐGSPH/Giấy chứng nhận hợp quy hoặc Chứng thư giám định phù hợp quy chuẩn kỹ thuật.

– Cơ quan kiểm tra theo dõi việc thực hiện theo quy định của doanh nghiệp sau thông quan. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, yêu cầu doanh nghiệp xử lý, thu hồi hàng hóa theo quy định của pháp luật.

(Nguồn:vietq.vn)